Khai thác hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn
Nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch ở khu vực nông thôn, những năm qua, tỉnh Bình Ðịnh đã nỗ lực xúc tiến đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình cấp nước sạch ở nông thôn. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) xung quanh vấn đề tăng cường công tác quản lý, vận hành và khai thác bền vững các công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn của tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 94 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đang hoạt động, với công suất thiết kế 47.666 m3/ngày đêm. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao quản lý, vận hành khai thác 6 công trình với công suất 18.900 m3/ngày đêm, chiếm 40% tổng công suất công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh; cung cấp nước cho 50.300 hộ dân, chiếm tỷ lệ 62%.
● Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn do Trung tâm quản lý?
- Các công trình cấp nước do Trung tâm quản lý phục vụ hơn 85% số hộ trong vùng hưởng lợi, trong đó một số địa phương như Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát) và Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) con số này đạt đến 98 - 99%.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, cung cấp nước có chất lượng đúng quy định, những năm qua, Trung tâm nâng cao công tác quản lý, vận hành và khai thác bền vững các công trình cấp nước; thực hiện đầy đủ về kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống nước sạch; lắp đặt camera giám sát nguồn nước đầu nguồn; thực hiện đánh giá, phân tích chất lượng nước từ các nhà máy trước khi cung cấp cho khách hàng. Đồng thời, Trung tâm còn liên tục nâng cấp dịch vụ, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu của người dân. Triển khai thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt…
● Được biết, giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm thực hiện nâng cấp, mở rộng một số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay?
- Giai đoạn 2020 - 2025, UBND tỉnh phê duyệt quyết định và giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư 5 dự án nâng cấp, mở rộng, tăng công suất các công trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn của tỉnh. Mục tiêu của việc mở rộng, nâng công suất vẫn là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn; đồng thời cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí liên quan đến nước sạch trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ nhà máy cấp nước Nhơn Tân (TX An Nhơn) kiểm tra hệ thống đường ống, trạm bơm. Ảnh: T.D
Đến nay, có 3/5 công trình thuộc dự án nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước giao Trung tâm làm chủ đầu tư đã đưa vào phục vụ, gồm: Mở rộng phạm vi cấp nước khu vực Tây Giang - Tây Thuận, mở rộng phạm vi cấp nước khu vực Vĩnh An - Bình Tường (thuộc huyện Tây Sơn) và mở rộng phạm vi cấp nước khu vực Đông Nam TX Hoài Nhơn; cung cấp nước sạch đảm bảo quy chuẩn của Bộ Y tế cho gần 29.000 người ở các khu vực này.
Còn lại, 2 dự án hiện đang triển khai thực hiện là: Mở rộng phạm vi cấp nước nhà máy Nhơn Tân (phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn) nâng công suất hiện có từ 720 m3/ngày đêm lên 7.000 m3/ngày đêm - gần gấp 10 lần, đáp ứng cấp nước cho 35.000 người các xã Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Tân (TX An Nhơn) và các vùng lân cận thuộc huyện Tây Sơn; nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt huyện Phù Cát đảm bảo cấp nước cho 100.455 người thuộc 8 xã, thị trấn gồm Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Hải (Phù Cát), Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước) và 1 phần Khu kinh tế Nhơn Hội.
● Xin ông chia sẻ, trong quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sạch nông thôn, yếu tố nào quyết định thành công?
- Phải nói ngay rằng đó là yếu tố con người - những cư dân ở khu vực xây dựng nhà máy. Một công trình cung cấp nước sạch trước khi triển khai thực hiện phải qua rất nhiều bước trong khảo sát, lựa chọn và quan trọng là tham vấn ý kiến của cộng đồng. Có sự đồng thuận của người dân, việc đưa vào vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch thuận lợi hơn. Người dân chủ động trong việc kết nối với các đơn vị để đấu nối hệ thống nước sạch; chủ động trong việc cung cấp thông tin cho các nhà máy khi xảy ra sự cố.
Xuất phát từ thực tế này, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cấp hội, đoàn thể ở các địa phương thực hiện chương trình về sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; cho người dân thấy được lợi ích lớn từ việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, cải thiện về sức khỏe và môi trường sống. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai tuyên truyền sâu rộng trong các khu dân cư, trường học về lợi ích của nước sạch và chung tay bảo vệ, giữ gìn, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)