NHÂN VẬT NỮ TRONG CHIẾN TRANH TRÊN SÂN KHẤU BÌNH ĐỊNH:
Nhiều mất mát nhưng vẫn ăm ắp bao dung
Đồng cảm và chia sẻ nỗi đau, mất mát với con người trong chiến tranh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định đã dàn dựng và công diễn nhiều vở diễn về đề tài chiến tranh; góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về lịch sử, sự hy sinh của những người đi trước vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Nét độc đáo là tinh thần nhân ái, bao dung đậm đà chất Bình Định bao trùm các tác phẩm.
Trước tiên, phải kể đến loại hình nghệ thuật sân khấu bài chòi với những thế mạnh về đề tài hiện đại, đã phản ánh số phận từng nhân vật trong và sau cuộc chiến qua nhiều góc độ khác nhau. Tiêu biểu có một số vở diễn: Điều không thể mất, Người tử tù mất tích, Hương thầm, Thời con gái đã xa…
Vở diễn Điều không thể mất kể về cựu nữ TNXP tên Nhâm và các đồng đội từng trực tiếp phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, trong đó nhiều đồng đội của chị đã hy sinh. Hòa bình lập lại, kẻ còn người mất, với nhân vật Nhâm, do chiến tranh, cô và người yêu phải cách xa nhau để đến ngày gặp lại, người yêu của cô đã lập gia đình. Hai người dù còn yêu nhau lắm nhưng không đến được với nhau…
Một cảnh trong vở Má tôi ngày ấy. Ảnh: T.H
Cũng khai thác đề tài về những nữ TNXP bám trụ trên những nẻo đường Trường Sơn, các nhân vật như Hạnh, Diễm trong vở Thời con gái đã xa lại ẩn chứa một nỗi niềm riêng. Sau một trận bom ác liệt, cả đơn vị vốn nhộn nhịp chị em chỉ còn lại Hạnh và Diễm, may mắn sống sót nhưng cơ thể họ không còn lành lặn. Đặc biệt là Hạnh, cô bị thương nặng ở đầu phải dùng vành khăn che kín, khiến việc tìm kiếm hạnh phúc riêng sau ngày đất nước thống nhất gặp không ít khó khăn. Ngay cả niềm khao khát về quyền làm vợ, làm mẹ, Hạnh cũng chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh nhưng cô vẫn vững chãi trong cuộc sống đến hôm nay.
Ở sân khấu tuồng, hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, có tấm lòng nhân ái, vị tha trong cuộc sống và cũng rất mãnh mẽ, cương quyết chống kẻ thù, làm tốt vai trò, nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Tiêu biểu là các nhân vật như: Chị Ngộ trong vở tuồng Chị Ngộ, bà Sáu Bình trong vở tuồng Cội nguồn, Nguyễn Thị Minh Khai trong vở tuồng Sáng mãi niềm tin...
Chị Ngộ dù chịu bao khổ đau, mất mát, ly tán gia đình, chồng con nhưng vẫn một lòng đi theo ngọn cờ của Đảng, vững tin vào chiến thắng cuối cùng. Hay trường hợp bà Sáu Bình vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng trong vụ thảm sát Bình An đẫm máu. Bà là hiện thân của người vợ, người mẹ chịu bao đau đớn, thiệt thòi bởi chiến tranh nhưng vẫn giàu lòng nhân ái, vị tha. Tâm hồn bà mang nỗi đau đã hằn sâu trong ký ức nhưng những vết rạch chằng chịt, xấu xí ấy không truyền trao cho con cháu. “Oán thù nên cởi không nên buộc”, các thế hệ con, cháu bà là những gương mặt thanh xuân đang bước lên nhịp cầu hội nhập, nên bà thay đổi cách nghĩ, chọn lối ứng xử nhân văn để con cháu bà “hướng về tương lai mà lòng không vướng bận”.
Nền độc lập, tự do mà đất nước ta có được hôm nay dựng xây trên biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao thế hệ. Bằng ngôn ngữ của riêng mình, sân khấu tuồng và bài chòi Bình Định đã truyền tải tới khán giả những góc nhìn khác nhau về cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc cũng như những di chứng của nó đến hôm nay.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG