Cây dừa nước có khả năng thích ứng cao với thổ nhưỡng Bình Định
Nhằm đa dạng hóa giống cây lâm nghiệp trong trồng rừng ngập mặn (RNM), tạo hệ sinh thái RNM đa dạng, đồng thời tạo ra giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng bãi triều ven đầm tỉnh Bình Định; năm 2021, từ nguồn kinh phí khảo nghiệm giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện “Khảo nghiệm ươm thử nghiệm giống cây dừa nước (Nypafruticans)” tại Vườn ươm giống cây ngập mặn của Trung tâm thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (ảnh).
Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Dừa nước là cây giống lần đầu tiên tiến hành khảo nghiệm gieo ươm thử nghiệm, do đó, phải theo dõi từ khi ra hoa đến thu quả, thường xuyên kiểm tra quá trình nảy mầm và phát triển của cây con để đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật. Quả dừa nước lấy làm giống được thu, hái rải rác ở đầm Thị Nại và các kênh, rạch xung quanh đầm. Từ 5.000 quả đã nảy mầm đem đi ươm, sau 5 tháng theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển, bước đầu cho thấy: Tỷ lệ cây sống đạt 77,8% (3.890 cây). Trong đó, có 3.508 cây loại 1 (chiếm 90,1%) phát triển tốt, đã phân chia được từ 1 - 4 bẹ lá đạt chiều cao trung bình 49,1 cm và 382 cây loại 2 (chiếm 9,8%) phát triển tốt nhưng chưa có bẹ lá, chiều cao trung bình 27,7 cm; cây giống dừa nước có khả năng thích ứng cao với thổ nhưỡng Bình Định, chống chịu sâu bệnh tốt, hầu như không bị sâu bệnh phá hoại.
Sau khi cây giống đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, Trung tâm sẽ tiến hành trồng khảo nghiệm hoặc phân tán tại các vùng đất phù hợp với cây dừa nước, các vị trí đã trồng cây bần trắng hoặc mắm trắng nhưng không phát triển như mong muốn. Từ đó, sẽ theo dõi tiếp để có cơ sở đánh giá khả năng thích nghi và hoàn thiện quy trình kỹ thuật ươm trồng của cây dừa nước đối với điều kiện thổ nhưỡng Bình Định .
THÀNH NGUYÊN