Trẻ em Việt dùng Zalo nhiều nhất, tiếp theo là xem YouTube và TikTok
Trẻ em Việt Nam đang sử dụng ứng dụng nhắn tin Zalo nhiều nhất, tiếp đến là xem video trên YouTube, TikTok và ‘lướt’ Facebook.
Đây là kết quả công bố ngày 24.5 từ nghiên cứu mới của Hãng Kaspersky dựa trên dữ liệu ẩn danh được người dùng Kaspersky Safe Kids tự nguyện cung cấp để hiểu thêm về sở thích và mối quan tâm của trẻ em trong quý I/2022.
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được trẻ em sử dụng nhiều nhất với 26,37%, bỏ xa vị trí thứ 2 của YouTube. YouTube vẫn là ứng dụng giải trí hàng đầu ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (16,3%).
Ra mắt chưa đầy 5 năm, TikTok đang trở thành thương hiệu phát triển nhanh nhất trên thế giới với nội dung đa dạng và vô hạn từ giải trí, sáng tạo đến giáo dục. Mức độ phủ sóng nhanh chóng của ứng dụng này đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của đông đảo trẻ em Việt Nam (11,2%). Đứng ở vị trí tiếp theo trong số các ứng dụng phổ biến nhất là mạng xã hội Facebook (10%) và Chrome (8,3%).
Nhận xét về kết quả nghiên cứu, bà Sandra Lee, giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Kaspersky, cho biết: "Là một trong những công dân kỹ thuật số năng động nhất thế giới, không ngạc nhiên khi trẻ em Việt Nam là những nhà thám hiểm nhiệt tình trong thế giới kỹ thuật số".
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: "Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ luôn cập nhật thông tin và cam kết thảo luận một cách cởi mở với con cái, vì đó là cách hiệu quả để giữ cho con trẻ là những công dân kỹ thuật số an toàn và có trách nhiệm".
Kaspersky khuyến nghị cha mẹ nên tìm hiểu thêm về thói quen và sở thích trực tuyến của trẻ, cũng như các xu hướng, trò chơi và các kênh mới nổi để hiểu chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động trực tuyến của trẻ.
Từ đó cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách chặn và báo cáo khi chúng nhìn thấy hoặc trải nghiệm vấn đề gì đó trên mạng. Điều này giúp tạo ra các thói quen trực tuyến tích cực và trao quyền cho con trẻ cảm nhận khả năng kiểm soát.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy để bảo vệ trẻ khỏi nội dung nguy hiểm và hạn chế lượng thời gian của trẻ dành cho thiết bị. Ngoài việc thực hiện các hành động để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung trực tuyến không phù hợp, các ứng dụng kiểm soát của phụ huynh còn mang đến cho cha mẹ cơ hội tìm hiểu thói quen và sở thích của con mình, giúp xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với con trẻ.
(Theo Đức Thiện/TTO)