Kỳ SEA Games thành công của thể thao Việt Nam
Không chỉ nhìn vào số lượng huy chương giành được ở các nội dung thi đấu, những gì đoàn chủ nhà thể hiện ở SEA Games 31 đã cho thấy thể thao Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Qua đó, có thể khẳng định sự tiến bộ của các đội tuyển thể thao Việt Nam ở đấu trường Ðông Nam Á.
Ở SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được tổng cộng 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn. Thành tích này giúp đoàn chủ nhà vượt qua kỷ lục của đoàn Indonesia giành được ở SEA Games năm 1997 khi đoạt 194 HCV. Đặc biệt, trong số những tấm HCV mà đoàn Việt Nam giành được, điền kinh đóng góp nhiều nhất với 22 HCV, tiếp theo là vật với 17 HCV. Môn bơi cũng mang về 11 HCV dù kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giã từ đội tuyển ngay trước thềm SEA Games.
VĐV Nguyễn Huy Hoàng (giữa) giành 5 HCV SEA Games, phá 2 kỷ lục SEA Games. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Trong đó, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung: 1.500 m, 5.000 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành HCV ở 5 nội dung: 400 m tự do (đồng thời phá kỷ lục SEA Games với kết quả 3 phút 48 giây 06), 800 m tự do, 1.500 m tự do, 200 m bướm, tiếp sức 4 x 200 m tự do (phá kỷ lục SEA Games với tổng thành tích 7 phút 16 giây 31). Đây cũng là 2/4 VĐV được vinh danh là những VĐV xuất sắc nhất tại SEA Games 31. Hai người còn lại là nữ VĐV môn bơi Jing Wen Quah (Singapore) và nam VĐV điền kinh Joshua Robert Atkinson (Thái Lan). Bên cạnh đó, các môn võ như taekwondo, karatedo, wushu, kickboxing, kurash, pencak silat, vovinam… cũng đem về nhiều tấm huy chương quý giá cho đoàn thể thao Việt Nam.
Đặc biệt, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã trải qua hành trình đầy ấn tượng để bảo vệ thành công ngôi vị số 1, vượt qua đội U23 Thái Lan ở trận chung kết; không những vậy, thầy trò HLV Park Hang Seo còn lập kỷ lục không để thủng lưới bàn nào từ vòng bảng đến chung kết. Trước đó, các cô gái của đội tuyển bóng đá nữ cũng xuất sắc hạ Thái Lan để lần thứ 7 bước lên ngôi hậu SEA Games.
Bên cạnh những nội dung thi đấu nhận được sự chú ý của giới chuyên môn, ở kỳ SEA Games này, các VĐV Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực, giành những tấm HCV quý giá ở các nội dung thi đấu như: Đơn nam bóng bàn - VĐV Nguyễn Đức Tuân, marathon nam - VĐV Hoàng Nguyên Thanh, ném lao nữ - VĐV Lò Thị Hoàng, ném lao nam - VĐV Nguyễn Hoài Văn…
Theo đánh giá của ngành Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31, thành công lớn nhất của nước chủ nhà không chỉ nằm ở tổng số huy chương, các VĐV Việt Nam đạt thành tích cao ở các môn thuộc hệ thống Olympic, không phải nhờ tới những môn đặc thù chủ nhà để vượt lên các đối thủ.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết: Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đoàn trong khu vực. Đoàn thể thao các nước đã trao đổi và thừa nhận do đại dịch Covid-19 nên VĐV của họ có sự ngắt quãng trong chuẩn bị. Tuy nhiên đó là ảnh hưởng chung. Các VĐV Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn được tập trung đầu tư suốt 2 năm qua và họ thi đấu tốt. Vì vậy, lý do quan trọng nhất chính là tinh thần thi đấu của VĐV Việt Nam rất tốt.
Hòa cùng niềm vui chung của thể thao Việt Nam, các VĐV Bình Định cũng đóng góp những tấm huy chương quý giá. Trong đó, VĐV điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ đoạt 1 HCV nội dung chạy 10.000 m, 1 HCB nội dung chạy 5.000 m; VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga đoạt HCV nội dung đối kháng hạng cân dưới 48 kg nữ môn kickboxing; VĐV Võ Bé Tư cùng đội tuyển bóng ném nữ trong nhà Việt Nam đoạt HCV. Ở môn bóng đá nam, cầu thủ Lý Công Hoàng Anh của CLB Topenland Bình Định đoạt HCV, bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games.
Đã có nhiều kỷ lục SEA Games được các VĐV Việt Nam phá ở Đại hội lần này, nhưng so với thành tích ở đấu trường ASIAD và Olympic vẫn còn nhiều khoảng cách. Đây đều là những động lực, khích lệ tinh thần tập luyện của các VĐV để hướng đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai.
HOÀNG QUÂN