Kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò: Cơ bản khống chế, nhưng nguy cơ bùng phát cao
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.
Khống chế được dịch nhưng không chủ quan
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay tổng số trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) là 587 con, trong đó có 73 con bị chết, 5 con đang được điều trị, còn lại đã khỏi bệnh. Dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm bê nghé từ 2 - 5 tháng tuổi và số trâu, bò chưa tiêm phòng. Các địa phương đã tổ chức thống kê đàn bê nghé, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc sát trùng, khẩn trương tiêm vắc xin VDNC cho trâu, bò. Kết quả, đến nay đã tiêm bổ sung cho 72.000 con bê nghé mới sinh và số trâu, bò chưa được tiêm, tiêm đại trà được 40% tổng đàn; nhìn chung tiến độ và tỷ lệ tiêm vắc xin là đạt yêu cầu.
Nhân viên thú y tiêm phòng dịch bệnh VDNC cho đàn vật nuôi của hộ ông Trần Quốc Toàn ở Ân Đức (Hoài Ân). Ảnh: THU DỊU
Ông Trần Quốc Toàn, chủ một hộ chăn nuôi bò thịt ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, cho hay: “Bệnh VDNC chủ yếu xuất hiện trên bê nghé nhỏ, do vậy khi nghe tin xuất hiện dịch ở địa phương, tôi đã đăng ký với thú y xã để tiêm bổ sung cho 3 con nghé mới sinh”.
Bệnh VDNC lây qua vật truyền bệnh trung gian chủ yếu là ve, mòng…, trong khi thời tiết đang mưa nắng thất thường, là điều kiện rất thuận lợi để những vật trung gian này phát triển, nguy cơ truyền bệnh tăng lên rất cao. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã giao lực lượng thú y đứng chân địa bàn phối hợp với lực lượng thú y cơ sở tập trung tối đa cho việc vận động người chăn nuôi đăng ký, khai báo số lượng bê nghé mới sinh để tổ chức tiêm phòng; hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, tiêu độc sát trùng bằng các biện pháp phù hợp, ngăn các vật trung gian truyền bệnh phát triển.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đánh giá: “Nhìn chung, dù rất khó khăn nhưng điều đáng phấn khởi là tỉnh ta đã khống chế dịch bệnh về cơ bản. Kiểm soát được dịch và không để tăng cao, lan rộng là thành công không nhỏ, nhưng do năm nay thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát rất lớn, nên chúng tôi vẫn ý thức và cảnh báo các địa phương không được chủ quan”.
Theo sát diễn biến của đàn vật nuôi
Theo ngành thú y, 1 lọ vắc xin VDNC tiêm được cho 23 - 25 con, do vậy lực lượng thú y phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở cơ sở vận động người chăn nuôi đăng ký đầy đủ, tổ chức tiêm nhằm phát huy hiệu quả của vắc xin. Việc tiêm vắc xin VDNC thực hiện theo cơ chế ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 50%, người dân đối ứng 50%. Riêng với 3 huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền công tiêm phòng cho người chăn nuôi. Hiện, tổng đàn trâu ước đạt 17.925 con, tăng 2,5% so với cùng kỳ; đàn bò ước đạt 297.986 con, tăng 0,7% so với cùng kỳ, trong đó, bò sữa 2.451 con, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng, hiện các địa phương trong tỉnh đôn đốc, theo sát tình hình diễn biến của đàn vật nuôi, tổ chức tiêm phòng đúng quy định. Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, đến nay về cơ bản Phù Mỹ tiêm phòng xong cho số bê nghé mới sinh trong diện tiêm bổ sung; triển khai tiêm phòng đại trà cho đàn trâu, bò toàn huyện. Nhờ chủ động theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác chỉ đạo của chính quyền huyện cho tới cơ sở thông suốt, công tác vận động, tổ chức tiêm phòng diễn ra thuận lợi.
Tương tự, với Hoài Ân, ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết, ngay khi có dịch bệnh xuất hiện, Phòng thành lập tổ công tác tuyên truyền vận động bà con tuân thủ các quy định về phòng chống dịch; đăng ký tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp giám sát việc tiêm phòng, chủ động trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố…
THU DỊU