Phong phú món ngon miền biển
Tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XI-2014 tại TP Quy Nhơn, các đoàn đã giới thiệu các món ăn được chế biến từ cây trái, các loài hải sản phong phú của địa phương. Qua các gian hàng, cho thấy sự giàu có về ẩm thực của các vùng quê ven biển xứ Nẫu.
1. Sự hào phóng về các loài hải sản, tôm cá mà thiên nhiên ban tặng cho các vùng đầm, biển được các đoàn mang về “chia sẻ” trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển tỉnh lần này khá đa dạng. Đến tham quan khu vực trại của 5 đoàn tham gia, người xem “no mắt” trước những gian hàng trưng bày đủ loại đặc sản, hải sản ở các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh.
Trại của TP Quy Nhơn có hồ nước biển sục ô xy cho các loại hải sản tươi sống như cá, tôm, bào ngư cùng nhiều loại “ốc lạ” được khai thác ở vùng biển Nhơn Hải, Nhơn Lý. Không chỉ có các loài hải sản, ở đây còn trưng bày các loại rượu ngâm hải sản thu hút sự chú ý của khách. Ông Lê Chí Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Ngoài các đặc sản ở Quy Nhơn, chúng tôi còn trưng bày sản phẩm ở địa phương khác trong tỉnh như bún song thằn (An Thái, An Nhơn), bánh tráng nước dừa Tam Quan (Hoài Nhơn), góp phần quảng bá sự phong phú các loại đặc sản ẩm thực của quê hương Bình Định”.
Đến tham quan trại huyện Phù Mỹ, nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy quả bí đao khổng lồ có trọng lượng vài chục kg, là sản phẩm nông nghiệp độc đáo chỉ được trồng duy nhất ở thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ. Tấm hình bản đồ Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được ghép khéo léo bằng các hạt đậu nành, nhuộm nhiều màu sắc cũng tạo được điểm nhấn cảm xúc cho người xem. Ngoài ra, gian hàng huyện Phù Mỹ còn trưng bày hơn 40 sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương. Trong đó, có những đặc sản ẩm thực nổi tiếng như chình mun đầm Châu Trúc, cá cơm Mỹ An, kiệu Phù Mỹ.
Gian hàng đặc sản biển của huyện Hoài Nhơn giới thiệu nhiều món “ăn là ghiền” như cá bò gù, cá liệt chỉ, cá tín, cá chuồn mẳn, lươn biển. Gian hàng huyện Phù Cát bên cạnh nón ngựa Phú Gia nổi tiếng là sản phẩm bún làm ở các làng nghề truyền thống.
2. Sáng 13.6, phần thi ẩm thực trong Ngày hội sẽ diễn ra với sự góp mặt của nhiều đầu bếp giỏi ở các địa phương. Khác với những Ngày hội lần trước, các đầu bếp được thoải mái chế biến một bàn tiệc gồm nhiều món hải sản ngon và đẹp mắt. Ban tổ chức quy định mỗi đơn vị chỉ được giới thiệu trên bàn tiệc hai món đặc sản ẩm thực (một món ăn, một thức uống) truyền thống của địa phương đã được lưu truyền qua ca dao.
Đầu bếp huyện Phù Mỹ “bật mí” sẽ chế biến món ăn từ chình mun đầm Châu Trúc nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao. Đây là món ăn đã đi vào câu ca đầy tự hào mà người dân địa phương quảng cáo với khách phương xa: Chình mun nằm dưới đáy sông. Sài Gòn, Hà Nội, Hồng Kông cũng thèm. Huyện Hoài Nhơn lựa chọn những nguyên liệu phổ biến ở địa phương nhưng chế biến khác lạ để tạo ấn tượng với thực khách. Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, giới thiệu: “Đầu bếp của chúng tôi sẽ chế biến món mực sa lát. Mọi người có thể được thưởng thức mực ống to nhồi ngũ quả và tôm rất hấp dẫn. Thức uống bổ dưỡng đi kèm là dừa xiêm ngọt lịm ở Tam Quan kết hợp pha chế với sữa, có vị thơm ngon đặc trưng”.
Để góp phần giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực truyền thống Bình Định, sau phần thi ẩm thực, một số đơn vị sẽ phục vụ tại trại món ăn này cho người dân và du khách đến thưởng thức. “Chúng tôi lựa chọn món bánh xèo tôm nhảy để dự thi ẩm thực. Cháu của bà chủ quán bánh xèo tôm nhảy nổi tiếng ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn, sẽ tham gia trình diễn chế biến theo đúng nguyên bản từ khâu xay bột bằng cối đá (phục vụ trong hai ngày 13 - 14.6), ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết.
Hoài Thu