Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập toàn dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc chuyển đổi mô hình đào tạo giáo dục cần được chú trọng ngay từ các cấp cơ sở, để thuận lợi nhất và tạo điều kiện cho mọi người đều có thể học tập. Đồng thời triển khai đồng bộ các mô hình học tập phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực.
Sáng 24.5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, Hội khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần chú trọng hơn nữa các giải pháp xây dựng xã hội học tập ở bên ngoài nhà trường. Ảnh: Đình Nam/VGP.
Các đại biểu nhận định: xây dựng mô hình “Công dân học tập” là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ. Do đó, việc chuyển đổi mô hình đào tạo giáo dục cần được chú trọng ngay từ các cấp cơ sở, để thuận lợi nhất và tạo điều kiện cho mọi người đều có thể học tập. Đồng thời triển khai đồng bộ các mô hình học tập phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện ở các tiêu chí đặc trưng như kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong đó kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân. Hội Hội Khuyến học Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chí “Công dân học tập” với 10 nội dung, trong đó, có 7 nội dung liên quan đến phát triển kỹ năng mềm gồm: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, dân vận, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, kỹ năng lắng nghe, phản biện, tự học và kỹ năng quản lý thời gian:
Vừa qua Hội khuyến học ở 63 tỉnh, thành đã và đang thực hiện các mô hình học tập và đang thực hiện mô hình “Công dân học tập”, kết quả đem lại rất khả quan, qua thực hiện mô hình này, việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho chính quê hương và nâng cao đời sống kinh tế đơi sống tinh thần cho nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phụ thuộc vào đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, giáo dục mở thời đại số, tạo ra sự bình đẳng ai cũng có thể học hành. Do vậy, mỗi tổ chức, cơ quan cần có biện pháp phù hợp để thúc đẩy với chủ trương mô hình công dân học tập, học tập suốt đời trong nhân dân. Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Phát biểu Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những năm qua, Ngành giáo dục có những bước phát triển vững chắc, toàn diện. Bên cạnh việc tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới trong nhà trường, thì liều lượng dành cho các giải pháp xây dựng xã hội học tập ở bên ngoài nhà trường cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho rằng thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, bằng các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải học tập suốt đời, để không chỉ người dân mà từng cơ quan, đơn vị cũng thấy rằng phải học tập để duy trì, đáp ứng được yêu cầu công việc, nhiệm vụ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành phải làm tốt hơn nữa việc tạo điều kiện thuận lợi để người lớn học tập:
Phải làm sao ngoài xây dựng hành lang pháp lý thì phải có cơ chế chính sách để hệ thống giáo dục mở thực sự, phát huy tối đa các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề cho đến chương trình để người lao động được học tập thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời cần lưu ý đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người có khó khăn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Theo Phương Thoa (VOV1)