Du lịch Việt Nam thăng hạng vượt bậc bất chấp đại dịch
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới, lên 8 bậc trong xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2021. Điểm số của Việt Nam tăng 4,7%, khi mức tăng trung bình thế giới chỉ là 0,1%.
TTDI 2021 là bộ chỉ số mới của WEF, gồm 5 nhóm với 17 chỉ số đánh giá về năng lực phát triển ngành du lịch và lữ hành của 117 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là bộ chỉ số thay thế cho TTCI (Chỉ số Cạnh tranh Du lịch và Lữ hành) mà WEF đã dùng trong 15 năm qua, với một số điều chỉnh và bổ sung.
TTDI 2021 phản ánh sự phục hồi chậm chạp của ngành du lịch và lữ hành thế giới sau đại dịch Covid-19, khi chỉ tăng trưởng trung bình 0,1% so với năm 2019. Năm 2021, chỉ 39 trong số 117 nền kinh tế có mức tăng hơn 1% về chỉ số TTDI.
TTDI 2021 gồm 5 nhóm với 17 chỉ số đánh giá về năng lực phát triển ngành du lịch và lữ hành của mỗi quốc gia. Nguồn: WEF
Nhật Bản, Mỹ và Tây Ban Nha lần lượt là 3 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng TTDI 2021, cùng với số điểm 5,2. Singapore với số điểm 5,0 xếp thứ 9, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Một số quốc gia Đông Nam Á tụt hạng, như Thái Lan giảm 1 bậc (hạng 36), Philippines giảm 2 bậc (hạng 75). Malaysia, Ấn Độ và Mông Cổ sụt giảm lớn nhất về thứ hạng.
Đáng chú ý, chỉ số TTDI 2021 của ngành du lịch Việt Nam đạt 4,1 điểm, là mức tăng nhiều nhất trong số 117 nền kinh tế (+4,7%), đưa Việt Nam lên hạng 52, so với hạng 60 năm 2019. Đứng sau Việt Nam về mức tăng điểm là Indonesia (+3,4%, từ hạng 44 lên 32) và Saudi Arabia (+2,3%, từ hạng 43 lên 33).
Các chỉ số tốt nhất của ngành du lịch Việt Nam là Giá cả cạnh tranh (6,0 điểm, hạng 15), An ninh an toàn (5,8 điểm, hạng 33). Việt Nam được đánh giá cao về các chỉ số trong nhóm Động lực kích cầu du lịch gồm Tài nguyên thiên nhiên (hạng 24), Tài nguyên văn hóa (hạng 25) và Tài nguyên khác ngoài giải trí/nghỉ dưỡng (như công vụ, du học, y tế…) xếp hạng 29.
Ngành du lịch Việt Nam bị đánh giá thấp về Hạ tầng dịch vụ du lịch (2,8 điểm, hạng 86), Bền vững với môi trường (3,7 điểm, hạng 94), Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch và lữ hành (3,7 điểm, hạng 87). Cả 3 chỉ số nêu trên đều tụt hạng so với năm 2019.
Các thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp đang là "thỏi nam châm" hút du khách tới Phú Yên.
Bên cạnh những đánh giá mang tính kỹ thuật của WEF, ngành du lịch Việt Nam gần đây cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý là cuộc “đổ bộ” của các thương hiệu khách sạn lớn vào Việt Nam ngay từ đầu năm 2022, như Archipelago International tiếp nhận hàng loạt khách sạn tại TP.HCM và Phú Quốc, hoặc Meliá Hotels International vận hành thêm 12 khách sạn trên khắp Việt Nam chỉ trong năm nay.
Ngoài ra, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam liên tục được vinh danh gần đây, bởi các tạp chí và chuyên trang du lịch uy tín. Trang Tripadvisor vừa công bố 25 khách sạn hàng đầu thế giới do du khách bình chọn năm 2022, trong đó khách sạn Lotte Hanoi (Hà Nội) là đại diện duy nhất của Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 13. Tạp chí Travel + Leisure vừa công bố danh sách 500 khách sạn tốt nhất thế giới năm 2022, với sự góp mặt của Six Senses Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng 3 đại diện khác của Việt Nam. Khu nghỉ dưỡng Zannier Hotels Bãi San Hô (Phú Yên) được trang KIWI vinh danh trong top 12 khách sạn tốt nhất thế giới năm 2022, với danh hiệu là Khách sạn biển hàng đầu.
Theo Hải Nam (VOV.VN)