Luật Cảnh sát cơ động: Quy định quyền hạn chặt chẽ hơn để tránh lạm dụng, chồng chéo
Sáng 26.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, quy quy định như dự thảo luật là quá rộng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có. Cho nên nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp.
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng)
“Cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để Cảnh sát cơ động có thể huy động và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định”- ông Bế Minh Đức kiến nghị.
Còn Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản, nên cần có quy định chặt chẽ, văn bản hướng dẫn dưới luật quy định thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Đề cập quy định vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, như dự thảo sẽ gây khó hiểu, chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chặt chẽ…
Đại biểu đề nghị phải quy định rõ việc Cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.
Đồng tình với việc cảnh sát cơ động được quyền ngăn chặn tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, Cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Theo đại biểu, trong thực tế các loại phương tiện bay siêu nhẹ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa với các mục tiêu bảo vệ. Do đó việc cảnh sát cơ động chủ động ngăn chặn trực tiếp tấn công đe dọa là phù hợp. Tuy nhiên để chặt chẽ thì làm rõ phạm vi nơi cảnh sát cơ động được phép ngăn chặn tàu bay không người lái.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp; một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của Cảnh sát cơ động quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa Pháp lệnh hiện hành, đồng thời, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cơ bản nhằm bảo đảm cho Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
Kết luận phiên thảo luận sáng nay (26.5), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình thấu đáo ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào 14.6 tới đây.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)