Bác Hồ với nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ
Đến Bảo tàng tỉnh tham quan phòng trưng bày hiện vật chủ đề “Bác Hồ với nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ”, người xem sẽ không khỏi xúc động với nhiều hiện vật minh chứng cho tác phong giản dị của Bác Hồ, tình cảm của Người dành cho nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định đối với Người.
ĐVTN Chi đoàn Sở Du lịch tham quan phòng trưng bày “Bác Hồ với nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ” tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: CHI ĐOÀN SỞ DU LỊCH
Bình Định tự hào là một trong 5 địa phương Bác Hồ từng dừng chân sống, lao động và học tập trong những ngày tìm đường cứu nước. Mảnh đất này cũng là nơi thân sinh của Bác - cụ Nguyễn Sinh Sắc - nhậm chức Tri huyện Bình Khê. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh đã dành không gian trang trọng nhất để trưng bày những tư liệu, hiện vật của Bác gắn với nhân dân Bình Định.
Nội dung trưng bày phòng này gồm 2 phần chính: Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bác Hồ với nhân dân Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ.
Ở phần thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những hình ảnh, hiện vật, tư liệu gắn với quá trình trưởng thành, hoạt động cách mạng của Bác như: Chân dung ông Nguyễn Sinh Sắc, ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai Bác, bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột Bác; mô hình ngôi nhà quê nội, quê ngoại của Bác; ảnh tàu của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam; ảnh công nhân và nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc; sơ đồ những nơi chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dừng chân trước khi ra nước ngoài; ảnh bến cảng và tàu Amiral Latouche-Tréville, con tàu đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Việt Nam bắt đầu những năm tháng bôn ba ở hải ngoại; ảnh Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (1920); bảng trích 8 điểm ở Hội nghị Versailles; bảng trích kêu gọi Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập…
Bên cạnh đó, theo những tư liệu lịch sử còn để lại, ngày 1.7.1909, triều đình Huế đã bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê. Trước khi lên đường nhậm chức, ông đã gởi Bác Hồ đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp và văn hóa ở giáo học Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), giáo viên của trường Pháp - Việt đầu tiên của tỉnh Bình Định ở Quy Nhơn. Vị trí trường này hiện nay được xác định là khu vực sau Tòa Giám mục giáo phận Quy Nhơn, nằm phía Bắc đường Bạch Đằng, bên trái đường Trần Bình Trọng, khu vực này còn có tên gọi dân gian là xóm Trường (nay là dãy nhà số 54 - 66 Bạch Đằng).
Do vậy, ở phần Bác Hồ với nhân dân Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân thuộc như: Ảnh khu vực nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ; ảnh khu vực nơi anh Nguyễn Tất Thành đã từng ở trọ trong thời gian ở Quy Nhơn; ảnh địa điểm trường thi Bình Định; ảnh Bác Hồ với thiếu nhi Tam Quan; hiện vật chiếc băng tang của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định để tang Bác năm 1969; ảnh Đoàn cán bộ Bình Định làm lễ truy điệu Bác tại Cộng hòa dân chủ Đức; hiện vật chiếc áo choàng Bác Hồ tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ…
ĐOAN NGỌC