Ðưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Thời gian qua, Sở Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; trong đó, có những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình kết nối cung - cầu, tham dự các kỳ hội chợ…
Đây được xem là điểm nhấn quan trọng trong triển khai thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, hiện tại các chợ ở vùng nông thôn, hơn 70% sản phẩm được bày bán là hàng Việt. Sau dịch Covid-19, với chất lượng cao, mẫu mã phong phú, đa dạng, ưu thế của hàng Việt càng lớn.
Tham gia phiên chợ, hội chợ là cơ hội để các DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: HẢI YẾN
Chị Nguyễn Thị Vân, 45 tuổi, chủ sạp bánh kẹo ở chợ An Hòa, huyện An Lão, cho biết: “Trước đây, hàng tôi nhập về bán phần lớn là hàng ngoại, chủ yếu là hàng Trung Quốc với lợi thế rất lớn là giá rẻ, nhiều mẫu mã. Mấy năm gần đây, người tiêu dùng (NTD) chuộng dùng hàng Việt Nam hơn. Các nhà sản xuất tăng cường quảng bá, tiếp thị tận sạp; nhiều loại bánh kẹo, nước giải khát do DN trong nước sản xuất chất lượng tốt, giá khá cạnh tranh nên dần dần đã lấn được hàng Trung Quốc”.
Hưởng lợi từ xu thế chuộng hàng Việt, thông qua các phiên chợ hàng Việt, những kỳ hội chợ, chương trình kết nối cung - cầu, các DN trong tỉnh cũng phát triển được đại lý ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Điển hình là cơ sở sản xuất bún, phở khô Phương Anh (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân), ngoài việc xây dựng được hệ thống 40 đại lý trong cả nước, còn tìm được khách hàng và xuất khẩu sản phẩm sang các nước Malaysia, Indonesia.
Thực tế cũng cho thấy, một số cơ sở do mới thành lập, nhờ “siêng” đi hội chợ đã giúp NTD biết đến sản phẩm nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Bích Liễu, chủ cơ sở ngũ cốc Cô Ba Bình Định (phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn), cho biết: “Tôi thành lập cơ sở vào năm 2020, chuyên sản xuất sản phẩm dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe, gồm ngũ cốc, trà gạo lức hoa nhài. Để NTD biết đến thương hiệu của mình, chúng tôi tích cực tham gia các chương trình kết nối cung - cầu, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các sự kiện do Sở Công Thương tổ chức, kết nối. Qua đó, các sản phẩm của cơ sở được NTD ở nông thôn ưa chuộng. Học hỏi kinh nghiệm của một số DN lớn, chúng tôi chuẩn bị ra mắt các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của NTD như: Cháo hạt vỡ cho trẻ em, ngũ cốc hạt granola. Cơ sở đang đăng ký sản phẩm đạt OCOP và tham gia các phiên chợ ở Phù Cát, An Lão, Vĩnh Thạnh và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi trong tháng 6, 7.2022”.
Những DN tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đều khẳng định, những kỳ hội chợ, kết nối cung - cầu… rất thiết thực bởi giúp họ có cơ hội tìm kiếm nhà phân phối, đại lý tiêu thụ sản phẩm rộng rãi khắp các tỉnh, thành. Từ đó, NTD biết đến sản phẩm nhiều hơn, tạo điều kiện để cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm. Giá các mặt hàng Việt phù hợp túi tiền, nguồn gốc rõ ràng.
Theo số liệu thống kê gần đây của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Bình Định, tại các cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, HTX, hệ thống các siêu thị trong tỉnh hiện có trên 85% sản phẩm hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam. Sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có đến 90% là hàng Việt.
Theo ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh, kết quả này có được là nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Trong đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, những chương trình kết nối cung - cầu, những hội chợ… đưa hàng
Việt đến tận tay NTD là một trong những hoạt động hiệu quả nhất, giúp người dân tiếp cận được với hàng Việt có chất lượng tốt và giá hợp lý nhất. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến cách nhận diện hàng hóa, NTD quan tâm nhiều hơn đối với hàng nội.
HẢI YẾN