Góp ý về Dự án Luật Thanh tra, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26.5, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Hồ Đức Phớc: Cần giữ lại thanh tra cấp huyện
Đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc đề nghị cần giữ lại Thanh tra huyện để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phục vụ cho chính quyền cấp huyện thực hiện thanh tra KT-XH, để chấn chỉnh và phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các vấn đề đất đai, liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng…
Đại biểu Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu phân tích: “Tôi từng làm Chủ tịch UBND huyện nên rất rõ vai trò của Thanh tra huyện. Có những huyện có đến 43 xã. Để Thanh tra tỉnh xuống đến cấp huyện là rất khó khăn. Mỗi năm, Thanh tra tỉnh không thể triển khai được 100 cuộc thanh tra. Nếu bỏ Thanh tra huyện, chúng ta mất một công cụ để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của UBND cấp huyện”.
Đối với Thanh tra ngành, đại biểu cho rằng cần phải quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác, tránh chồng chéo lên nhau. Không thể để thanh tra ngành chạy xuống tận xã để thanh tra; tránh thanh tra ngành này đi thanh tra lĩnh vực của ngành khác. Cũng cần phải giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra một số ngành có thể thanh tra một số DN cổ phần vốn nhà nước.
Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu cho rằng quy định người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt Nam là không phù hợp. Theo ông, nên bỏ quy định này. Hiện nay, đội ngũ phiên dịch rất phát triển có thể hỗ trợ các bác sĩ nước ngoài, chưa kể, người ta đã phát triển đến phiên dịch bằng máy, bằng robot.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh: Cần quy định về cơ chế phối hợp trong hệ thống Thanh tra
Đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Lý Tiết Hạnh thống nhất với đề nghị của cơ quan thẩm tra tờ trình rằng: trong luật có nhiều điểm mới được bổ sung nhưng cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý để dẫn đến việc sửa đổi những nội dung đó vẫn chưa rõ. Đây là lần góp ý đầu tiên. Thời gian tới, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ những cơ sở để chứng minh việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính pháp lý.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh phát biểu. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu cùng quan điểm với các đại biểu khác rằng cần có đội ngũ Thanh tra huyện. Qua nghiên cứu các báo cáo, bà nhận thấy lý do bỏ Thanh tra huyện là vì có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, như nhiều Thanh tra huyện không làm việc được, số lượng biên chế ít, số cuộc thanh tra kiểm tra hằng năm ít, hiệu quả không cao. Từ đó, đại biểu đề nghị vẫn giữ đội ngũ thanh tra huyện nhưng phải có các giải pháp để kiện toàn tổ chức, biên chế, đổi mới phương thức hoạt động, đảm bảo các điều kiện cần thiết để phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm của lực lượng Thanh tra cấp huyện.
Điều 32 của Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện, trong đó có nội dung: Nếu UBND huyện không thực hiện các kết luận của Thanh tra huyện thì Thanh tra huyện báo về Thanh tra tỉnh. Nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp về mặt chuyên môn để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo theo hệ thống từ Thanh tra Chính phủ xuống cơ sở. Cần phải có quy định rõ nét hơn về cơ chế phối hợp để các cấp Thanh tra phát huy được hiệu quả.
Tổ chức thanh tra tổng cục, cục và cơ quan thanh tra thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước hiện nay rất lớn, đồ sộ. Ngoài thanh tra Công an, Quân đội, Ngân hàng, có 56 cơ quan thanh tra. Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này. Vấn đề được quan tâm nhất vẫn là hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, phải làm sao để tránh chồng chéo. Bởi nếu chồng chéo về chức năng nhiệm vụ thì sẽ không chỉ làm khó cho các cơ quan nhà nước các cấp, kìm hãm sự hoạt động bình thường, mà còn lãng phí, ảnh hưởng đến tinh giản bộ máy.
Dự thảo luật quy định là UBND cấp tỉnh quyết định về thành lập thanh tra sở căn cứ vào quy định luật chuyên ngành. Đại biểu Hạnh thống nhất với sự phân cấp, phân quyền mạnh cho UBND cấp tỉnh để quyết định tổ chức bộ máy thanh tra cấp sở. Tuy nhiên, có tình trạng thanh tra cấp sở không giống nhau giữa các tỉnh thành. Phải chăng cần có quy định một số nguyên tắc để đảm bảo thực hiện nghiêm túc? - đại biểu đặt vấn đề.
Quan tâm đến việc thực hiện kết luận thanh tra, đại biểu Hạnh cho rằng: Luật hiện nay chưa quy định rõ về cơ sở pháp lý, các biện pháp, chế tài đảm bảo việc thực hiện kết luận thanh tra được kiểm soát, thực hiện một cách nghiêm túc. Đề nghị chú trọng và có quy định cụ thể hơn về nội dung này.
Về bổ sung quy định thời gian tối đa tạm dừng việc thanh tra theo quy định tại Điều 69, cần phải quy định rõ để tránh việc tạm dừng bị lợi dụng; đồng thời cần có quy định cụ thể về trình tự thủ tục tạm dừng cuộc thanh tra.
Đại biểu Lê Kim Toàn: Ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở
Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất cao với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo ông, những quy định về chính sách khám chữa bệnh đã khẳng định chủ trương của Nhà nước trong xây dựng và phát triển các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách phát triển hệ thống y tế cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, hỗ trợ khám chữa bệnh đối với người có công, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn... Luật có chế độ ưu đãi cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; có thêm điểm mới về thực hiện luân phiên cán bộ, nhân viên y tế giữa các cơ sở để tăng cường nhân lực ở những nơi cần thiết, phát triển nhân lực ngành y tế.
Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Ông băn khoăn: “Chúng ta khẳng định là ưu tiên bố trí ngân sách cho hệ thống y tế cơ sở, nhưng ở Điều 42 quy định về các cơ sở khám chữa bệnh có liệt kê đầy đủ từ bệnh viện đến trạm y tế xã, các cơ cơ sở khác thuộc hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh nhưng không chỉ rõ trong hệ thống đó đâu là tổ chức thuộc hệ thống y tế cơ sở để được ưu tiên. Vì vậy, cần phải đưa vào Điều 3 - Giải thích từ ngữ để xác định rõ nội hàm hệ thống y tế cơ sở. Theo tôi, phải xác định hệ thống y tế cơ sở bao gồm: Hệ thống trạm y tế cấp xã và bệnh viện tuyến huyện. Trong đại dịch vừa qua, cho thấy hệ thống y tế cơ sở của ta gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, nhân lực, vật lực”.
Ngoài ra, cần có chế độ chính sách và hình thành đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản. Có những thôn, bản rất xa trung tâm xã, đội ngũ nhân viên trạm y tế xã không bao phủ hết được.
Đại biểu Lê Kim Toàn thống nhất với nội dung ưu tiên bố trí ngân sách, có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công nhân viên đang làm nhiệm vụ trong ngành y tế.
Trong dự thảo luật, có quy định thời gian cập nhật kiến thức y khoa là 5 năm đối với người đang hành nghề y nhưng chưa quy định cụ thể thời gian thực hành trước khi được phép hành nghề. Đại biểu đề nghị cần quy định thời gian thực hành cụ thể trong luật và đề xuất thời gian thực hành là 2 năm trước khi hành nghề.
Đối với Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Toàn thống nhất chuyển quy định thanh tra nhân dân sang Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở. Hệ thống thanh tra cần duy trì từ thanh tra chính phủ, thanh tra tỉnh và huyện, thanh tra bộ, ngành với nguyên tắc “ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra”. Thống nhất thành lập cơ quan thanh tra ở một số cục, tổng cục nhưng chỉ giới hạn một số cục, tổng cục theo quy định của luật chuyên ngành, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia. Cần phân định rạch ròi phạm vi, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra các cấp; cần có quy định giữa thanh tra bộ, thanh tra cục, tổng cục thuộc bộ.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực của kết luận thanh tra, có quy định hậu kiểm về việc thực hiện kết luận thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Sự cần thiết của Hội đồng y khoa trong cấp chứng chỉ hành nghề y
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã có nhiều góp ý đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trước những băn khoăn về cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề y, đại biểu Hiếu cho rằng cần phải giao cho Hội đồng y khoa vì sẽ bảo đảm chất lượng chuyên môn, giảm sự tắc trách. Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng y khoa hiện nay rất hình thức, hoàn toàn không có tính độc lập về chuyên môn. Đại biểu đề xuất phải có quy định rõ ràng về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng y khoa.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo đại biểu, việc cấp chứng chỉ hành nghề y nên chia làm 2 nhóm. Nhóm hành nghề đa khoa thì sau khi ra trường, vượt qua bài kiểm tra của Hội đồng y khoa có thể đi làm luôn, không cần phải trải qua 18 tháng thực hành tại các cơ sở y tế. Họ có thể vừa học vừa làm tại vị trí công tác. Đối với nhóm chuyên khoa thì cần Hội đồng y khoa phối hợp với Hội chuyên ngành cấp chứng chỉ hành nghề.
“Các hội chuyên ngành hiện nay không có vai trò gì cả. Nếu được tham gia cấp chứng chỉ hành nghề thì vai trò của hội được nâng cao, các hướng dẫn, cập nhật chuyên môn của hội sẽ được các bác sĩ tuân thủ. Thông thường, các bác sĩ sẽ học ở nhiều nơi, có người học ở Nhật, ở Pháp…, khi làm việc, họ thực hành theo nơi đã học mà ít theo các hướng dẫn của Hội y khoa Việt Nam. Điều này dẫn đến việc chúng ta sẽ mãi mãi là nền y tế góp nhặt chứ không có trường phái Việt Nam. Thời gian đầu, việc có sự tham gia của các hội chuyên ngành vào việc cấp chứng chỉ hành nghề nên được thử nghiệm ở các hội mạnh trước”, đại biểu Hiếu phân tích.
Các ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về hai dự án luật tại tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu Hiếu cũng có một số chia sẻ về quy định người nước ngoài sử dụng tiếng Việt Nam để khám chữa bệnh. Theo khảo sát, hiện nay, rất ít bác sĩ giỏi về Việt Nam hành nghề. Các bác sĩ giỏi, chuyên gia nước ngoài chỉ sang Việt Nam phẫu thuật, trao đổi chuyên môn rồi về nước. Vì vậy, nên sửa quy định thành: Người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam với điều kiện sử dụng được tiếng Việt, chứ không cần phải thông thạo tiếng Việt.
Về việc gia hạn giấy phép hành nghề, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên dùng công nghệ thông tin. Khi bác sĩ đủ thời gian, đủ điều kiện gia hạn thì nên tự động gia hạn chứng chỉ hành nghề, tránh trường hợp phải đi xếp hàng xin gia hạn giấy phép…
Nguồn: BTV
NGUYỄN MUỘI