Thu hút, thúc đẩy phát triển điện gió
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho 4 dự án điện gió đã đầu tư hoạt động hiệu quả, Bình Ðịnh đang hỗ trợ Tập đoàn PNE (CHLB Ðức) hoàn tất các thủ tục đăng ký đầu tư dự án phát triển điện gió ngoài khơi công suất 2.000 MW, tổng vốn khoảng 6 tỷ USD.
Không chỉ có vậy, Bình Định còn kiến nghị Chính phủ bổ sung 11 dự án điện gió, tổng công suất 6.174,5 MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), làm cơ sở để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các bên cùng có lợi
Sau 2 năm triển khai, đầu quý I/2020, Công ty CP Phong điện Miền Trung - thành viên Công ty CP Halcom Việt Nam, chính thức đưa dòng điện từ Nhà máy phong điện Phương Mai 3 tại Khu kinh tế Nhơn Hội lên lưới điện quốc gia. Đây là dự án điện gió đầu tiên của tỉnh đi vào hoạt động. Nhà máy điện công suất 21 MW này có tổng mức đầu tư 40 triệu USD, gồm 6 tổ máy turbine (3,5 MW/turbine), đủ năng lực đưa lên lưới điện quốc gia mỗi năm hơn 70 triệu kWh, mang lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, góp phần giảm phát thải khoảng 50.000 tấn CO2 mỗi năm.
Các dự án điện gió tại Khu kinh tế Nhơn Hội đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế. Ảnh: DŨNG NHÂN
Ông Nguyễn Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Miền Trung, cho hay: Điểm đặc biệt thuận lợi của chúng tôi khi đầu tư vào Bình Định là luôn được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng quan tâm, nhờ đó dự án triển khai rất suôn sẻ. Phía công ty cũng đã đầu tư bài bản, quản lý, khai thác chuyên nghiệp, nên doanh thu hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra”.
Tương tự, Công ty CP Phong điện Phương Mai đã đầu tư 1.076 tỷ đồng thực hiện dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1, gồm 11 turbine với tổng công suất 26,4MW; Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định đầu tư trên 2.500 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy điện gió Nhơn Hội 1, Nhơn Hội 2 (mỗi nhà máy gồm 6 turbine gió, tổng công suất 30 MW) tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Tháng 10.2021, Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 và Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
“Công ty thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển điện gió của Trung ương và của tỉnh. Nhà máy cũng được quản lý, vận hành tốt, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục với hiệu suất cao. Nhờ đó, doanh thu từ điện gió luôn đảm bảo kế hoạch đề ra”, ông Phạm Trường Thọ, Tổng Giám đốc Công ty CP Phong điện Phương Mai, khẳng định.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT, về số lượng thì các dự án điện gió tại Bình Định chưa nhiều, nhưng hầu hết đều có lượng vốn đầu tư lớn, đang hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, còn tạo môi trường cảnh quan, thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ - du lịch, tạo động lực thu hút thêm các nhà đầu tư khác đến với Bình Định.
Cục Thuế tỉnh cũng ghi nhận sự đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của các DN sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực điện gió. “Đến cuối tháng 5.2022, các DN sản xuất kinh doanh điện gió đã nộp 10,737 tỷ đồng tiền thuế”, ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Bình Định) cho hay.
Tiếp tục thu hút dự án điện gió
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bình Định hội đủ các yếu tố cốt lõi để phát triển điện gió, như: Bờ biển dài, giao thông thuận lợi; các thông số về gió rất tốt; hạ tầng lưới điện truyền tải đảm bảo phát triển và nhu cầu tiêu thụ điện thương phẩm thời gian tới rất lớn. Những hoạt động xúc tiến đầu tư gần đây cho thấy, Bình Định đang ưu tiên thúc đẩy phát triển điện gió và đã có nhiều DN đến Bình Định tìm hiểu, đăng ký đầu tư phát triển kinh doanh trên lĩnh vực này.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay: Hiện có 9 DN đăng ký đầu tư 11 dự án điện gió, trong đó đáng chú ý là Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đăng ký đầu tư dự án trang trại gió ngoài khơi tại khu vực 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát với công suất lên đến 2.000 MW. Đây là cơ hội lớn để tạo bước đột phá mới thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, số lượng, quy mô công suất các dự án điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chỉ 111 MW là rất khiêm tốn (theo Quy hoạch điện VII đối với điện mặt trời được quy hoạch tại Bình Định là 529,5 MWp, điện gió là 111 MW). Vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hiện hữu hoạt động hiệu quả, Sở Công Thương đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề xuất Chính phủ cho bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực hoặc tính toán đưa 11 dự án điện gió, tổng công suất 6.174,5 MW mà các chủ đầu tư đã đăng ký đầu tư vào Quy hoạch điện VIII.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (thứ 3 từ trái sang) cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn PNE đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về dự án trang trại điện gió ngoài khơi. Ảnh: Sở Ngoại vụ cung cấp
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nâng cao cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch điện VIII, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE. Việc này nhằm làm cơ sở cho tỉnh hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo của các dự án đã đăng ký đầu tư, tạo điều thuận lợi cho tỉnh thu hút thêm nhiều nhà đầu đầu tư phát triển điện gió, tạo động lực phát triển kinh tế.
PHẠM TIẾN SỸ