Không lơ là với bệnh tay chân miệng
Sau thời gian khá dài không ghi nhận ca mắc bệnh nào, 2 tuần vừa qua, bệnh tay chân miệng đã quay lại. Dù số ca mắc ở tỉnh ta thấp so với bình quân cả nước nhưng với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo không được lơ là với loại bệnh này.
Đến nay, cả nước có khoảng 5.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó đã có 1 trường hợp tử vong. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, số ca mắc TCM sẽ tiếp tục tăng trong thời gian đến. Đến nay, Bình Định cũng đã ghi nhận 20 trường hợp mắc TCM. Riêng từ ngày 12.5 - 18.5, toàn tỉnh phát hiện 10 ca bệnh TCM, trong đó, TX An Nhơn nhiều nhất với 5 ca.
Không để lây lan rộng, bùng phát thành dịch
Bác sĩ Lê Thu Sang, Khoa Truyền nhiễm (TTYT TX An Nhơn), cho biết: Sau thời gian tập trung phòng, chống dịch Covid-19, trẻ không đến trường nên bệnh TCM gần như không có điều kiện lây lan. Bây giờ trẻ đi học trở lại, lại vào mùa nắng nóng nên dễ mắc TCM và dễ lây nhiễm. Hiện các ca TCM Khoa đang tiếp nhận đều ở độ tuổi 5 tuổi trở xuống, tình trạng các bé đã ổn định.
Mẹ cháu Dương Quốc Khang (2 tuổi, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), đang điều trị tại TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Ban đầu cháu sốt, khó ăn, nổi mụn nước ở tay chân, tôi đưa cháu đến bệnh viện ngay. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, chú ý vệ sinh, giờ cháu đã hết sốt, ăn uống trở lại, các nốt mụn nước đã dần khô.
Bệnh TCM có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Ảnh: ĐỖ THẢO
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM hiệu quả, kiên quyết không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng và kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã ký văn bản yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, hội đoàn thể triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh TCM; tập trung vào các vùng có số ca mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Chú ý giữ gìn vệ sinh
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do nhóm vi rút đường ruột, điển hình là vi rút Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Trong đó, Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong. Bệnh TCM có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Dù vậy, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cảnh báo, ở một số trường hợp, bệnh TCM vẫn có thể diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã chuyển cấp độ từ nhẹ sang nặng. Ở nhiều trường hợp nặng, trẻ có thể gặp chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 vào độ 3 và đột ngột chuyển sang độ 4, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan với bệnh này .
Bệnh TCM có khả năng lây lan nhanh từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh, do vậy để phòng TCM điều quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh. Các gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Để phòng bệnh TCM, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, lưu ý: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ, kịp thời phát hiện những dấu hiệu lâm sàng và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
ĐỖ THẢO