Ðại võ sư Bùi Trung Hiếu: Trong mỗi người Bình Ðịnh đều có máu võ
Gắn bó với thể thao trong hơn 30 năm qua ở nhiều vai trò khác nhau, đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH&TT, đã có những đóng góp đáng kể cho ngành trong phát triển thể thao thành tích cao và xây dựng phong trào.
Cơ hội tốt để phát triển thể thao!
Tại SEA Games 31, đại võ sư Bùi Trung Hiếu được phân công làm trưởng đoàn kickboxing Việt Nam. Đội tuyển kickboxing đã đoạt 5 HCV, 6 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn, góp phần vào thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games đáng nhớ trên sân nhà.
● Chúc mừng ông với thành tích ấn tượng trong lần đầu tiên nắm giữ trọng trách ở một kỳ SEA Games!
- Cám ơn anh! Thực ra thì trước ngày khai mạc SEA Games chừng 2 tuần, tôi mới nhận được quyết định của Tổng cục TDTT cử làm trưởng đoàn kickboxing. Trước đó, đội tuyển đã có khoảng 2 năm tập trung tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games lần này. Vì vậy, vinh dự này xin dành cho những người trực tiếp “chiến đấu” để giành những tấm huy chương quý giá về cho thể thao Việt Nam, tôi chỉ đóng vai trò động viên, cổ vũ tinh thần anh em trước và sau các trận đấu thôi.
Trưởng đoàn kickboxing Việt Nam tại SEA Games 31 - đại võ sư Bùi Trung Hiếu (thứ hai từ phải sang) thăm, động viên các HLV, VĐV đội tuyển ngay trước ngày thi đấu. Ảnh: NGUYỄN HẰNG
● Nhưng hẳn ông rất tự hào khi có những thế hệ tiếp nối trong số những người “trực tiếp chiến đấu” ở đó?
- Ở góc độ là một người Bình Định, tôi luôn tự hào khi thấy đồng hương của mình thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào. Còn ở kỳ SEA Games này, tôi càng có nhiều cảm xúc khi chứng kiến 2 người con đất Võ là HLV Trần Đình Đô và võ sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games - điều mà từ trước đến nay chưa có VĐV nào của Bình Định làm được. Tôi cũng rất mừng với thành tích chung của kickboxing Việt Nam, không chỉ vì hơn kỳ SEA Games trước 1 tấm HCV, mà qua đây cho thấy chúng ta luôn nỗ lực chứ không ngủ quên trên chiến thắng. Bởi những gì các võ sĩ Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia… thể hiện cho thấy họ tiến bộ vượt bậc về chuyên môn so với cách đây 3 năm.
● Ở góc độ là lãnh đạo ngành Thể thao Bình Định, ông còn được chứng kiến các VĐV Phạm Thị Hồng Lệ, Võ Bé Tư giành những tấm huy chương quý giá ở môn điền kinh và bóng ném trong nhà…
- Đây đúng là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử của các VĐV Bình Định, khi tất cả đều tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Hiệu ứng từ SEA Games 31 đang lan tỏa tới nhiều cấp ngành và người dân, vì vậy, đây là cơ hội tốt để chúng ta đầu tư phát triển những môn thể thao mũi nhọn, phù hợp với điều kiện của mình.
Trăn trở với thể thao thành tích cao
Là VĐV nhiều năm thi đấu đối kháng võ cổ truyền và wushu, năm 2003, võ sư Bùi Trung Hiếu trở thành HLV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định. Năm 2013, khi Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định thành lập, ông được giao phụ trách đơn vị này. Gần 20 năm, võ cổ truyền Bình Định luôn giữ được vị thế dẫn đầu ở các giải vô địch quốc gia và đại hội TDTT toàn quốc.
● Nhìn lại cơ sở vật chất của ngành Thể thao Bình Định, dễ dàng nhận ra là có nhiều thứ đã quá lạc hậu…
- Trong điều kiện còn “nhiều thứ đã quá lạc hậu…” vẫn có nhiều HLV, VĐV xuất sắc thành công ở đấu trường quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới. Bình Định chưa phải là một tỉnh giàu, nên nguồn lực đầu tư cho thể thao chưa lớn như một số tỉnh, thành khác cũng là điều dễ hiểu. Nên dù trong hoàn cảnh thế nào thì chúng ta vẫn phải nỗ lực, khắc phục khó khăn để khẳng định khả năng của mình. Trước mắt để phát triển, ta phải làm rất nhiều việc, nhưng dù vậy vẫn phải đi từng bước, giải quyết từng khó khăn chứ không thể đòi hỏi có ngay tất cả cùng một lúc. Trước hết cần phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các bộ môn, từ đó xác định những nội dung trọng điểm để đầu tư sâu.
● Dường như ông vẫn muốn phát triển thêm những môn võ mới…
- Qua nhiều giải đấu võ thuật cấp quốc gia, quốc tế, các VĐV Bình Định đều thể hiện được tố chất để đạt những thành tích ấn tượng. Không chỉ wushu, kickboxing dù chỉ mới “bén rễ” 13 năm nhưng đã đem về không ít thành tích đáng kể. Hiện nay, chúng tôi thành lập thêm 2 bộ môn vovinam và karatedo, định hướng phát triển theo hướng thể thao thành tích cao.
“Trong mỗi con người Bình Định đều có máu võ”
Đi trên con đường võ thuật gập ghềnh nhưng cũng đầy vinh quang, đại võ sư Bùi Trung Hiếu được coi là một trong những người có đóng góp lớn cho võ cổ truyền trong vài chục năm gần đây. Hiện ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định.
● Khi chập chững đến với võ cổ truyền, ông có hình dung con đường mình sẽ đi?
- (cười lớn) Khi học cấp II, tôi đã đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Phần vì kinh tế không dư dả gì, phần vì sợ con ra đường gây gổ đánh nhau nên cha tôi không muốn cho tôi đi học võ. Thời đó muốn học võ không dễ, phải có phụ huynh dẫn đến nhà thầy, cam kết bài bản mới được thầy nhận. Tôi thấy bè bạn cùng lứa được học nên mê, cố gắng làm thuê để dành tiền nộp thầy, rồi nhờ người thế vai phụ huynh đến xin cho con tập.
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu phát biểu tại Lễ giỗ tổ võ đường Phi Long Vinh (Phước Nghĩa, Tuy Phước). Ảnh: HOÀNG QUÂN
Võ thuật đem lại cho tôi nhiều điều tích cực, nhưng trên hết tôi nghĩ đó là ý chí. Không nhiều người biết rằng tôi từng có ý định bỏ cuộc ở những thời điểm thu nhập của một VĐV không đủ trang trải cho cuộc sống. Rồi có quãng thời gian 4 năm liền tôi vừa tập vừa học văn hóa, hầu như ngày nào cũng sáng sớm đi, tối mịt mới về nhà, cuối cùng cũng hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Tôi đã chứng kiến nhiều đàn anh rất chật vật với cuộc sống sau khi treo găng. Vì vậy, tôi đã trao đổi, vận động anh em đi học đại học để sau khi giải nghệ dễ kiếm đường mưu sinh. Cá nhân tôi càng phải nỗ lực tập luyện để đảm bảo phong độ tốt hơn trước, chứng minh với lãnh đạo ngành rằng việc học văn hóa không ảnh hưởng đến thành tích thi đấu.
● Ông nghĩ gì khi võ cổ truyền Bình Định đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể thế giới?
- Theo tôi, đó là điều kiện tốt để chúng ta phát huy giá trị của võ cổ truyền, chứ không phải là kết quả đạt được. Do đó, chúng ta vẫn phải luôn tiếp tục hành trình xây dựng chứ không thể dừng lại. Điều thuận lợi nhất là hầu như trong mỗi con người Bình Định đều có “máu võ”, chỉ cần biết cách khơi gợi sẽ nhận được sự cộng hưởng.
Cần phải làm tốt hơn nữa, quan tâm đến các võ đường nhiều hơn nữa để tạo sức sống mạnh mẽ, sức lan tỏa của võ cổ truyền ở khắp các địa phương trong tỉnh. Làm được điều đó, chúng ta đồng thời đạt được nhiều mục đích: Nâng cao công tác bảo tồn, nuôi dưỡng phong trào và tạo nền móng vững chắc cho thể thao thành tích cao. Đây còn là sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định, chắc chắn cuốn hút nhiều du khách đến tìm hiểu, khám phá…
● Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
HOÀNG QUÂN (Thực hiện)