Khó khăn không nản
Ðứng trước ngưỡng cửa lập nghiệp, nhiều phụ nữ trẻ chấp nhận vất vả, đối mặt với thất bại, nỗ lực từng ngày để vươn lên, tìm cơ hội thỏa mãn đam mê, sống có ích.
1. Nhìn nhân viên cặm cụi đóng gói kiện hàng chuyển đi, chị Đặng Thị Cẩm Lai (SN 1993, ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) như thấy lại hình ảnh mình những ngày đầu theo đuổi đam mê. Ngày đó, chị Lai vẫn là cô sinh viên ngành Dược (ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh), hy vọng tạo ra dòng sản phẩm độc quyền từ các loại nguyên vật liệu tốt cho sức khỏe. Sau nhiều lần tìm kiếm, thử nghiệm, chị quyết định làm trà từ nụ hoa hòe.
Chị Lai giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ. Ảnh: NVCC
Vậy là cô sinh viên nhỏ nhắn tự mình sao trà rồi đem từng gói đến chợ, tiệm trà, quầy thuốc Tây, lân la khắp nơi ở xứ người để giới thiệu sản phẩm. Chuỗi những khó khăn bắt đầu: Chị bị khách hàng từ chối bởi ngờ vực người chưa có kinh nghiệm lại kinh doanh dòng sản phẩm phổ biến dành cho người cao tuổi. Nhiều lần chị bị TNGT trong quá trình vận chuyển trà, bởi đường xa mà chỉ một mình đảm đương hết mọi khâu.
“Đến giờ, tôi vẫn không quên những ngày mang sản phẩm từ trung tâm thành phố đi phà ra ngoại thành, phải ở lại qua đêm. Mang vác hàng mệt đã đành, lại còn nỗi lo “thân gái dặm trường”. Nhưng tôi luôn cố gắng, bởi nếu sợ thất bại mà không làm thì mình chẳng học được gì”, chị Lai hồi tưởng.
Từ năm 2017 - 2020, chị Lai dần tích lũy nhiều kinh nghiệm, bài học thực tế từ việc bán hàng, tâm lý và nhu cầu của từng đối tượng khách. Nhờ đó, khi chuyển về quê hương, việc kinh doanh của chị cũng thuận lợi hơn. Năm 2022, cơ sở Dulah của chị là 1 trong 4 DN của tỉnh được tham dự Festival Trái cây & OCOP Việt Nam, đánh dấu “quả ngọt” sau bao nỗ lực không ngừng.
2. Khác với chị Lai, chị Hoàng Minh Thùy (SN 1994, ở TP Quy Nhơn) lại quyết định rẽ hướng, từ bỏ công việc trong ngành xây dựng để chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Yêu thích việc đan lát, thắt dây, làm những món đồ handmade, phụ kiện xinh xắn, chị Thùy đã biến sở thích thành công việc.
Chị Thùy (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật thắt, đan dây cho nhân viên. Ảnh: D.L
Chật vật học nghề, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chị Thùy còn đối mặt với cái nhìn ái ngại khi từ bỏ công việc ổn định. “Áp lực tinh thần là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi công việc vì tin vào sức sống của nó, nhất là khi TP Quy Nhơn ngày càng phát triển về du lịch, nhu cầu về hàng lưu niệm của du khách ngày một lớn”, chị Thùy chia sẻ.
Vượt qua mọi sự nghi ngờ, chị đã khẳng định được năng lực bản thân khi mở cửa hàng riêng, các sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng.
Khởi nghiệp thành công không đồng nghĩa với ngừng cố gắng. Sau khi gầy dựng được cửa hàng kinh doanh, chị Thùy tiếp tục mày mò nhiều kỹ thuật mới để đa dạng mẫu mã, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời phát triển hình thức mua bán qua mạng.
Chị Thùy tâm sự: “Tôi từng chạnh lòng khi nghĩ đến giai đoạn vì kinh tế khó khăn, muốn mua món quà cho người thân cũng phải đắn đo. Do đó, việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện, sở thích cá nhân”.
Song song với đó, chị Thùy còn tổ chức các buổi workshop để hướng dẫn kỹ thuật thắt, đan dây, giúp các bạn học sinh, sinh viên phát triển năng khiếu, có thể tự tay làm nên những món quà ý nghĩa dành tặng người thân.
3. Không chỉ xây dựng sự nghiệp cá nhân, chị em còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Về lập nghiệp tại quê nhà được một năm, chị Lai luôn có mặt trong các chương trình, hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Chị cùng các nhân viên tổ chức “Đêm trăng cho em”, vui hội trăng rằm cho trẻ em Trường Mầm non Ân Hảo Tây, tặng 30 suất quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ân Hảo Đông. Ngoài ra, xuyên suốt mùa dịch vừa qua, chị Lai tích cực hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và hộ nghèo, cận nghèo trong xã.
“Bài học lớn nhất tôi học được là mở lòng mình, chia sẻ với người khó khăn. Suy nghĩ tích cực thì mọi khó khăn đều trở thành trải nghiệm, từ đó rèn luyện bản thân phát triển theo hướng ngày một tốt hơn”, chị Lai tâm sự.
DƯƠNG LINH