KỶ NIỆM 142 NĂM NGÀY MẤT NHÀ SOẠN TUỒNG NGUYỄN DIÊU:
Thông điệp xuyên thời gian của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu
Đã 142 năm kể từ ngày nhà soạn tuồng nổi tiếng Nguyễn Diêu (1822 - 1880) từ giã cõi đời, nhưng thông điệp từ những vở tuồng nổi tiếng của cụ Tú Nhơn Ân vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó lấy nhiều giấy mực của hậu sinh phải kể đến vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Sinh thời cụ Tú Nhơn Ân có thể soạn nhiều vở tuồng, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng ông là tác giả của 3 vở tuồng nổi tiếng: Ngũ hổ bình Liêu, Liễu đố (Chữa bệnh ghen) và đặc biệt là Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (hay còn quen được gọi là Tiết Giao đoạt ngọc). Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là vở tuồng có giá trị rất đặc biệt vì chính ở chủ đề mà nó đề cập đến cũng như thông điệp nhân văn, giàu tính nhân loại toát lên từ đó.
Nữ diễn viên Thu Thiện trong vai Hồ Nguyệt Cô ở trích đoạn tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo do Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định dàn dựng. Ảnh: HOÀI THU
Theo nhiều tài liệu, ban đầu vở tuồng mang tên Võ Tam Tư chém cáo hay Tiết Giao đoạt ngọc, Cổ miếu vãn ca, nhưng do Hồ Nguyệt Cô - nhân vật chính tạo ấn tượng quá lớn nên về sau người đời khi nhắc tên vở đều gọi đó là Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Truyện tuồng kể rằng, có một con hồ tinh (tức cáo) nhờ tu luyện hàng nghìn năm công phu, trải qua nhiều kiếp mà thành người - Hồ Nguyệt Cô - trong bụng nàng có viên ngọc giúp nàng mang tính người. Hồ Nguyệt Cô được sư phụ báo trước nàng sẽ thành thân với một vị tướng mặt đỏ. Nàng xuống núi và gặp ngay vị tướng mặt đỏ - Võ Tam Tư. Cũng đúng như sư phụ báo trước, Hồ Nguyệt Cô thành vợ của Võ Tam Tư và giúp chàng đối đầu với Tiết Giao.
Lần ra trận ấy, rung động trước vẻ đẹp trai của chàng dũng tướng Tiết Giao, Nguyệt Cô đã xiêu lòng mà tha chết cho họ Tiết. Rồi từ chút xiêu lòng ấy, nàng mê đắm và hiến thân cho Tiết Giao. Vốn chẳng yêu đương gì nhưng vì muốn giành chiến thắng trước Nguyệt Cô trên sa trường, lợi dụng tình cảm của nàng, Tiết Giao giả vờ đau bụng, bảo Nguyệt Cô cho mượn ngọc để chữa bệnh. Lấy được ngọc rồi, Tiết Giao dứt tình, không trả lại ngọc bất chấp Hồ Nguyệt Cô lạy lục, van xin. Mất ngọc tức là mất tính người, công sức tu luyện nghìn năm tan thành mây khói, nàng trở lại kiếp cáo, một loài thú sống bằng bản năng.
Vở tuồng cảnh báo con người đừng bao giờ vì dục vọng bản năng mà đánh mất tính người và đặc biệt đừng để kẻ khác lợi dụng dục vọng, đam mê của mình để trục lợi. Bàn về vở tuồng này, trong bài viết “Triết lý một vở tuồng cổ” trong tác phẩm “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, nhà văn hóa nổi tiếng Hữu Ngọc kể lại một cuộc trao đổi giữa ông và kịch tác gia sân khấu Trần Vượng. Cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề thú vị - trong hàng trăm vở tuồng cổ - nghệ thuật sân khấu vốn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu quốc tế - vì sao nhiều người lại đánh giá cao Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Theo Trần Vượng, trước tiên là vì vở tuồng này khác và lạ hơn hẳn so với hàng loạt vở có nét chung ca ngợi chữ “trung” tuyệt đối với vua. Vở tuồng giúp người xem chứng nghiệm rằng, ở con người, “nhân tính” qua rèn luyện sẽ tăng dần, cùng với đó nó sẽ đè nén, hạ thấp “thú tính” lại. Nhưng “thú tính” không bao giờ mất đi. Nếu “tu luyện kém”, nếu để dục vọng và bản năng lấn át, con người sẽ đối diện với nguy cơ trở lại thành thú, khi đó cái ác sẽ thắng cái thiện. Với tinh thần nhân văn, nhân loại và xuyên thời gian, dễ giải thích vì sao các nhà nghiên cứu quốc tế lại đặc biệt chú ý Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Nét độc đáo, hiện đại ở vở tuồng này là tính cách nhân vật không đóng khung, cố định như thường thấy trong tuồng cổ. Ngược lại chúng biến đổi, phát triển biện chứng do nhiều tác động, mà các chi tiết như dã tâm của Tiết Cương, dục vọng bản năng, sự dễ dãi, cả tin của Nguyệt Cô, thói bạc tình, phản trắc của Tiết Giao, là minh chứng. Đây là yếu tố hết sức đặc sắc, mới lạ mà sau này đã được Đào Tấn kế thừa xuất sắc với nhân vật Hoàng Phi Hổ trong vở Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan.
Theo giáo sư Hoàng Chương, vì giá trị nhân văn sâu sắc mà vở tuồng được đánh giá là một trong những vở tuồng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật tuồng, sánh ngang với những kiệt tác Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Cổ thành, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn, Trầm hương các…, đã tồn tại trên sân khấu tuồng hàng trăm năm qua và Nguyệt Cô trở thành nhân vật khó quên trong lòng triệu triệu người xem nhiều thế hệ.
Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (1822 - 1880) có tên hiệu là Quỳnh Phủ, người làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Ông đậu tú tài năm Tự Đức thứ 13, tức năm Canh Thân 1860, sau đó dự thi vài khoa nữa nhưng không đậu cử nhân, ông bèn về quê nhà mở trường dạy học và soạn tuồng cho đến khi mất, vì thế người đời vẫn quen gọi ông là cụ Tú Nhơn Ân; ngày giỗ ông nhằm vào ngày 5.5 âm lịch. Đương thời, Nguyễn Diêu là thầy dạy chữ và truyền nghề viết tuồng nên Đào Tấn tôn ông là nghiệp sư của mình.
Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu có nhiều đóng góp xuất sắc cho nghệ thuật tuồng. Năm 2012, Hội thảo khoa học về Nguyễn Diêu tại TP Quy Nhơn thu hút gần 100 nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước dự. Hội thảo đã khẳng định Nguyễn Diêu là một soạn giả kiệt xuất của sân khấu tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có tầm vóc của một danh nhân văn hóa của dân tộc và thế giới. Phần mộ ông tại thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017.
NGÔ HỒNG SƠN