Viết dưới ánh đèn dầu
● TRẦN BĂNG KHUÊ
Chợp mắt dăm ba phút dưới thứ ánh sáng trắng của chiếc đèn bàn, bỗng mơ mơ màng màng về những hình ảnh nào đó, ngỡ chừng như là xa xôi lắm. Chiếc đèn dầu với ánh sáng đỏ từ những ngọn lửa đầy khói thắp lên trong đêm tối trời. Tưởng chỉ là một giấc mơ thoáng qua, nhưng không hẳn, có thể một ai đó đang nhớ mấy khoảng sáng lấp lánh, lung linh như chiếc đèn ông sao thời thơ ấu. Ký ức, đôi khi nó là một thời đoạn cuộc sống đã đi qua, nhưng có thể vẫn còn sống động đến tận bây giờ dù chỉ là một ngọn đèn dầu đầy muội khói.
Đồ chừng đâu đó vào khoảng thập niên tám mươi, chín mươi, núi rừng phố huyện nghèo khuất sau những phố thị, khi đường điện chưa được kéo về, ánh sáng mỗi lần đêm xuống hẳn chỉ có mỗi ngọn đèn dầu hiu hắt. Còn nhớ, những lần trời bắt đầu tối cũng là khi nghe tiếng mẹ nhắc nhỏm từ dưới bếp vọng lên, “thắp đèn đi con”. Chị em gái đứa nhỏ thì thu lu chờ ánh sáng trong góc nhà, đứa lớn lui cui tìm diêm quẹt, bật lửa. Ánh sáng của một ngọn đèn dầu có khi làm rạng rỡ cả căn nhà, có khi chỉ vừa đủ soi vào một khuôn mặt, hay một mâm cơm đạm bạc.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Trong nhà ít nhất phải có một chiếc đèn lớn, vài chiếc đèn nhỏ. Nhớ đèn lớn đèn nhỏ rồi bỗng dưng ký ức sống động tua lại đúng hoạt cảnh ngày cũ, như thấy mình đang đứng giữa thời điểm đó vậy. Rồi, còn nhớ, mỗi lần mấy chiếc tim đèn cháy gần hết, trẻ con nhìn ngắm tim đèn nở ra, tự thắc mắc tại sao lửa lại nở hoa nhỉ? Đến khi mẹ nhắc phải dùng kim để khêu tim đèn, thay tim đèn khác, thì nghịch ngợm vừa khêu vừa hất mấy bông lửa đó lên như pháo hoa.
Đèn dầu đi liền với bếp củi, cũng là cả một thời để nhớ. Vài bận tự đẩy đưa về với kho ký ức ấy, lại muốn kể lể, tái hiện những hình ảnh của chính mình, một đứa con gái độ chừng mười, mười hai tuổi có thể cầm chiếc búa sắt nặng trĩu lên rồi bổ xuống những thanh củi lớn, rồi sau đó chẻ nhỏ nó ra để giúp mẹ có củi nhóm lửa nấu cơm, nấu nước hàng ngày. Ai nói chỉ mười bảy mới bẻ gãy sừng trâu? Bây giờ, bảo cầm chiếc búa ấy mà giơ lên cao rồi bổ phập xuống chắc chắn mấy đứa con gái của mẹ không tài nào làm được.
Tiếp tục hoài niệm những thứ nhập nhằng trong bóng tối và ánh sáng đó, đôi khi là những hồi ức rất đẹp, về một cái bếp lửa trệt dưới đất, phải dùng cái đòn để ngồi nấu nướng đỡ mỏi, hoặc nhà nào khá hơn thì dựng đắp bếp đứng cho sang chảnh, phía dưới gầm bếp có thể chất củi vào đó. Kho củi là thứ không thể thiếu trong bếp, vì cần cho mùa mưa. Mùa khô, trẻ con lội bộ quanh xóm thôi cũng đã có đủ cả bao hoặc thúng củi lẻ mang về cho mẹ nấu cơm. Mẹ thì tích lũy củi theo kiểu chắc chắn hơn. Những ngày nghỉ, không phải đi làm công sở, mẹ cầm thúng sang hẳn các xưởng mộc gần nhà để xin những thẻo gỗ thừa, họ không dùng đến. Mẹ nói, “loại gỗ này nấu sẽ lâu hơn, chứ lượm mấy thanh củi lẻ từ cây cành khô gãy nhanh cháy hết lắm”.
Mường tượng lại những ký ức này, nhiều bận không kiềm chế được xót thương nhọc nhằn cả đời của mẹ. Đèn dầu, bếp củi đâu chỉ đơn giản là thứ dấu vết về một thời đoạn nào đó trong quá khứ xa lơ xa lắc. Trẻ con còn nhớ, đèn dầu thắp sáng căn nhà nhỏ, trẻ con còn nhớ, đèn dầu thắp sáng chiếc bàn học dài bằng gỗ cho cả mấy chị em, trừ đứa bé nhất. Và trẻ con bây giờ còn nhớ ra rằng, đâu phải bếp lửa lúc nào cũng mộng như thơ Bằng Việt.
Bếp củi của mẹ những ngày mưa, mái nhà thủng, mưa lọt xuống làm ướt cả kho củi nhỏ. Mẹ hí hoáy vừa nhóm bếp vừa thổi phù phù, hong khô củi, khói ra cả mang tai mà chỉ mong sao nồi cơm không bị sống, mấy đứa con với bầy heo trong chuồng không bị đói vì quá bữa trưa, tối.
Trẻ con những tháng năm ấy có thể chưa thấu tỏ được gánh nặng cuộc sống. Nhưng trưởng thành rồi, hẳn là sẽ khác. Đèn dầu hay bếp củi, một khoảng vừa lấp lánh vừa mong manh chập choạng ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối. Hoặc có thể đơn giản chúng chỉ là một giấc mơ vẫn còn quanh quẩn đâu đó giữa hai chiều thời gian đầy mộng tưởng.