Xin đừng chủ quan!
Chỉ một phút bất cẩn hoặc sự cố ngoài ý muốn, nhiều người bị tai nạn lao động mang thương tật, ảnh hưởng đến sức lao động hoặc vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau cho gia đình.
Phần lớn những người bị tai nạn lao động là trụ cột trong gia đình, nên khi họ mất đi hoặc bị tai nạn mất sức lao động, mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai những người thân trong gia đình.
Nhà anh Trương Đình Nhân (công nhân Công ty CP BICEM) ở trong một con hẻm sâu thuộc tổ 2, khu phố 7, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Anh Nhân là trụ cột kinh tế gia đình, vợ anh tập trung lo chăm sóc, đưa đón con bị thiểu năng trí tuệ. Đầu năm 2020, khi đang móc cẩu xe cẩu, anh bị cáp chèn gãy tay, mất một ngón tay. Hiện tại, sức khỏe của anh đã hồi phục và trở lại với công việc.
Anh Nhân cho biết: “Tôi tiếp tục làm việc ở Công ty. Sức khỏe không được như trước, bàn tay mình không hoạt bát như xưa. Nhưng, may mắn là vẫn được làm việc để tiếp tục chăm lo, gánh vác gia đình. Tôi chỉ biết dặn mình là phải cẩn thận hơn nữa!”.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm, tặng quà anh Trương Đình Nhân. Ảnh: N.M
Từng sốc, đau đớn khi bị máy xay cuốn cánh tay, chị Hồ Thị Diễn (quê ở Hà Tĩnh, công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định) cũng đã vượt qua khó khăn, quay trở lại với công việc. Mỗi lần nhìn vào một phần cánh tay bị mất, người phụ nữ nhỏ bé lại tự dặn mình phải luôn mạnh mẽ.
“Hồi đó, tôi làm công nhân ở xưởng, có nhiệm vụ làm lườn cá. Máy móc ở xưởng nhạy bén, tốc độ. Chỉ một khoảnh khắc sơ ý, tay phải của tôi bị cuốn vào máy xay. Và sau đó, tôi chỉ còn một tay để làm việc. Công ty đã tạo điều kiện, chuyển tôi qua bộ phận vật tư, công việc phù hợp hơn với sức khỏe để tôi có thể tiếp tục làm việc, đồng hành cùng chồng chi trả các khoản thiết yếu như tiền trọ, điện, nước, dành dụm gửi về cho ông bà đang hỗ trợ nuôi con nhỏ”, chị Diễn kể.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm, tặng quà chị Hồ Thị Diễn . Ảnh: N.M
Câu chuyện của chị Diễn là lời nhắc nhở cho các công nhân khác tại xưởng. Bất kỳ ai cũng phải cẩn trọng trong từng phút giây, tuân thủ các quy tắc vận hành máy, các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động. Bởi, không may mắn như chị Diễn, anh Nhân, rất nhiều người lao động đã ra đi vĩnh viễn sau tai nạn lao động, để lại nỗi đau, mất mát cho gia đình hoặc mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 133 vụ tai nạn lao động ở khu vực có quan hệ lao động, làm chết 16 người (tăng 9 người so với năm 2020), bị thương nặng 19 người (tăng 3 người). Ở khu vực không quan hệ lao động, 11 huyện, thị xã, thành phố báo cáo đã xảy ra 8 vụ tai nạn lao động, làm chết 4 người, so với năm 2020 tăng 3 vụ.
Các nguyên nhân xảy ra tai nạn đến từ nhiều phía. Trong đó, có lý do đến từ nhận thức chấp hành pháp luật an toàn, về công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động chưa cao. Đặc biệt, một bộ phận người lao động còn có hiện tượng làm bừa, làm ẩu, coi thường tính mạng bản thân, vi phạm các quy định, nội quy an toàn vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.
Để tự bảo vệ bản thân trước tai nạn lao động, mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, nhận thức. Xin đừng chủ quan!
NGUYỄN MUỘI