Các sắc, bằng mới phát hiện tại Bình Thuận:
Tư liệu gốc khẳng định việc bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Sau khi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại di tích quốc gia đình Bình An, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và tiến hành giám định 7 sắc, bằng tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Bộ VH-TT-DL vừa kết luận khẳng định đây đều là các văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Trong văn bản thể hiện ý kiến thẩm định, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL ghi rõ: Đây là 7 sắc, bằng của triều đình nhà Nguyễn ban, cấp cho 2 nhân vật là Lê Văn Châm và Lê Non để thực thi nhiệm vụ trong công việc lãnh đạo, chỉ huy quân sĩ thuộc các đội thủy binh bảo vệ, tuần phòng vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hòa. Để xác định được đầy đủ giá trị của các sắc, bằng này, cần tổ chức dịch thuật kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn tư liệu thư tịch và tư liệu điền dã khác. Bước đầu có thể nhận thấy, các văn bản này đều là các văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Trong số 7 bằng, sắc mới được phát hiện lần này, nếu tính theo sắc chỉ sớm nhất là tờ lệnh đề ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức thứ nhất (1847) của triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm cho ông Lê Văn Châm (anh ruột của ông Lê Non) giữ chức vụ đội tả vệ thứ 5 thủy binh tỉnh Bình Thuận, đến nay, đã qua 167 năm. Trước đây, toàn bộ số tài liệu quý trên do ông Lê Nhự ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, là hậu duệ đời thứ 5 của ông Cai đội Lê Non, giữ gìn và bảo quản. Sau khi được Bảo tàng Bình Thuận phát hiện, tìm hiểu và nghiên cứu, giải thích rõ ràng về giá trị của những tờ sắc... gia đình, dòng tộc của cụ Lê Nhự đã thống nhất tình nguyện giao lại cho Nhà nước bảo quản, lưu giữ lâu dài.
. Theo THU HÀ (SGGP)