QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030:
Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao
Theo quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bình Định tập trung phát triển một số cây ăn quả chủ lực như chuối, xoài và cây có múi các loại. Trong đó, quy hoạch thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng chất và lượng phục vụ thị trường trong, ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
Dự kiến đến năm 2025, Bình Định có vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh chất lượng cao, trong đó: Xoài 1.500 ha ở TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát và Tây Sơn; bưởi 1.000 ha ở 3 huyện cánh Bắc tỉnh, chủ lực là Hoài Ân, TX Hoài Nhơn và An Lão; dừa 10.000 ha ở TX Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và Phù Cát.
Tiềm năng phát triển
Điểm thuận lợi, diện tích cây ăn quả của tỉnh có thể mở rộng trên cơ sở rà soát chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn trồng các cây khác có hiệu quả thấp khá lớn; nhiều địa phương đầu tư phát triển cây ăn quả, từng bước hình thành các vùng trồng bưởi (ở Hoài Ân, An Lão và Hoài Nhơn), xoài (Phù Cát), cam và quýt đường (Tây Sơn)…
Nông dân huyện Phù Cát ứng dụng KHKT, công nghệ trong chăm sóc vườn xoài. Ảnh: THU DỊU
Theo quy hoạch, ngành NN&PTNT tỉnh xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cây ăn quả được chọn thuộc nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, có lợi thế phát triển như: Bưởi, dừa, xoài…; hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất tạo thành các vùng trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở này, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022, trong đó đầu tư phát triển vùng cây ăn quả quy mô lớn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao đối với cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Đến hết năm 2021, diện tích cây ăn quả của tỉnh Bình Định là 5.293 ha, trong đó: Cây xoài 1.274 ha, cây chuối 2.170 ha, cây bưởi 451 ha, cây mít 193 ha, cây cam 178 ha.
Bước đầu, Bình Định đã xây dựng được một số mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả cao. Toàn tỉnh có 77,5 ha cây ăn quả hợp chuẩn VietGAP, gồm 40 ha xoài ở Phù Cát, 37,5 ha cây ăn quả có múi ở Hoài Ân và Tây Sơn. Các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đầu tư các mô hình trồng cây ăn quả chuyên canh kết hợp với công nghệ mới trong tưới tiêu, sử dụng các nguồn giống tốt, giống mới chất lượng, áp dụng canh tác theo phương thức IPM.
Phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, Bình Định có lợi thế tạo dựng được nhiều vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, chế biến xuất khẩu nông sản. Với khí hậu phù hợp, hệ thống thủy lợi đầu tư khá bài bản, đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho các vùng sản xuất, Bình Định đủ điều kiện phát triển cây ăn quả.
“Dựa trên những lợi thế về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thống thủy lợi, Bình Định có được những vùng cây ăn quả chuyên canh. Việc của chúng ta là phải quy hoạch theo lợi thế vùng, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất; mỗi vùng nên lựa chọn 2 - 3 cây trồng thế mạnh để phát triển cây ăn quả đạt chất lượng cao”.
Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG (chỉ đạo sau tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp dịp Lễ hội Nông sản huyện Hoài Ân, ngày 27.5)
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bình Định hoàn toàn có thể phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng tốt. Với lợi thế cây trồng cho thu hoạch sau khu vực miền Nam khoảng 2 tháng - chính là điểm cạnh tranh để trái cây Bình Định tạo dựng được thế mạnh riêng. Và dựa trên yếu tố này, Bình Định rất phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu nông sản ở khu vực miền Trung (vùng nguyên liệu thứ 2 sau khu vực miền Nam)”.
Chia sẻ nhận định này, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cho hay: Bình Định đi sau sẽ có lợi thế là lựa chọn được nhóm cây trồng thế mạnh, nguồn giống tốt và áp dụng kỹ thuật canh tác VietGAP từ ban đầu để giảm thiểu việc phụ thuộc vào hóa chất nông nghiệp. Về giống và kỹ thuật, hiện chúng tôi đã nghiên cứu và chuyển giao các bộ giống cây ăn quả và kỹ thuật canh tác cho nông dân Bình Định.
Và thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả làm vùng lõi như bưởi da xanh ở Hoài Ân, cam và quýt đường ở Tây Sơn, dừa xiêm ở TX Hoài Nhơn và Phù Cát. Từ vùng lõi này, hoàn toàn có thể phát triển rộng ra những vùng lân cận. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các địa phương rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo thế mạnh của địa phương. Tăng cường chuyển giao các ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng trồng hợp chuẩn, đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản.
THU DỊU