Thong thả nghề làm giá tổ truyền
Nghề làm giá ở khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn đã có từ hơn trăm năm qua và điều thú vị là cho đến nay, nhiều người ở làng nghề vẫn tự hào vì giữ nguyên cách làm đã được tổ tiên truyền dạy.
Nghề làm giá ở đây tận dụng nguồn cát sông Côn. Muốn có cát làm giá, người ta phải bơi ra giữa dòng nước chảy, lặn ngụp để hốt được những mẻ cát sạch. Muốn giá ngon phải lấy được cát lúc nước chảy, nếu lấy lúc nước đứng thì giá sẽ kém ngon. Người làng giá cũng vì thế mà ai cũng biết bơi lội.
Người làng nghề thường làm 2 loại giá, là giá cát (hay còn gọi là giá cao - giá dùng để ăn sống) và giá trúc (dùng để cuốn chả ram). Nay do quá trình đô thị hóa, người làm giá không ra sông hốt cát nữa mà mua về làm sạch rồi dùng; cùng với đó, bà con còn học hỏi và phát triển cách làm giá vò - theo đó giá được làm trong các vò đất nung có khoét lỗ, đậy kín bằng các loại lá. Loại giá này dùng để ăn phở hoặc xào, nấu canh.
Xóm Giá vẫn giữ nghề gieo giá trên cát. Ảnh: ĐINH NGỌC
Chị Huỳnh Thị Hà, một trong số ít những người làm đủ 3 loại giá ở khối 1 cho hay, dù làm giá cát, giá vò hay giá trúc thì việc lựa chọn hạt đậu rất quan trọng. Đậu được chọn để làm giá phải to, mọng. Bên cạnh đó, việc tưới nước giữ ẩm đúng thời gian cũng quyết định đến năng suất và chất lượng từng cọng giá làm ra. Điều đặc biệt là dù làng nghề đã hơn trăm tuổi nhưng toàn bộ giá được làm ở đây vẫn hoàn toàn thủ công, tuyệt đối không dùng hóa chất, chúng tôi dặn nhau giữ nguyên như thế, coi đây là một cách giữ nghề tổ truyền.
Xóm Giá là một trong nhiều xóm nghề thủ công cổ truyền của làng Kiên Mỹ xưa. Hiện xóm còn độ hơn 30 hộ dân theo nghề làm giá. Nhờ làm giá đỗ, đời sống người dân ngày một nâng cao. Một cân đậu xanh cho ra khoảng 6 kg giá cát, 7 kg giá vò và chỉ chừng 2,2 kg giá trúc. Với giá bán khoảng 12.000 đồng/kg giá cát, 16.000 đồng/kg giá vò và 40.000 đồng/kg giá trúc thì mỗi ngày chợ, một người làm giá cũng kiếm được chừng 150 nghìn đồng. Nhờ vậy, người theo nghề làm giá cũng khá thong thả.
ĐINH NGỌC