Múa gươm hầu thần: Một nghệ thuật độc đáo của ngư dân Bình Định
Tại các vùng biển ở Bình Định, tín ngưỡng thờ thần Nam Hải (tức cá Voi, ngư dân tôn kính gọi cá Ông) gắn liền với lễ hội cầu ngư. Ở đây, ngoài nghệ thuật hát múa bả trạo, ngư dân còn bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa gươm hầu thần.
Ở tỉnh ta hiện còn hai địa phương lưu giữ nghệ thuật múa gươm hầu thần, đó là thôn Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) và xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Tại xã Nhơn Hải, từ năm 1992, khi xây dựng Lăng Ông Nam Hải tại vị trí mới, ngư dân địa phương phục dựng lại nghệ thuật múa gươm, duy trì biểu diễn đến nay. Đội múa gươm xã Nhơn Hải rất lớn - cótới 33 nhân vật; trong đó, có 2 nhân vật lồng đèn (đóng vai trò như phao tiêu trên thuyền), 2 bộ hổ (phó tướng), 4 hèo (tức roi), 4 siêu (đại đao), 20 lính cầm gươm đứng chia ra hai bên quân hầu xanh và đỏ, tất cảđược điều khiển qua các màn múa bởi một chấp sự (tức tổng chỉ huy - giống như nhân vật Tổng sanh trong bả trạo) qua hiệu lệnh trống cầm tay.
Múa gươm ở Lễ hội cầu ngư Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Khắc Vũ, Trưởng Ban vạn Lăng Ông Nam Hải xã Nhơn Hải, cho biết: “Lễ hội cầu ngư ở Nhơn Hải là sự kiện đặc biệt trong năm của ngư dân địa phương, mỗi năm chỉ diễn ra một lần nên thu hút đông đảo người dân tham gia, du khách đến tham quan. Đội bả trạo chỉ biểu diễn vào buổi chiều sau lễ nghinh thần Nam Hải nhập điện, riêng đội múa gươm thì cúng thần vào buổi chiều, đến giữa đêm là lễ tế thần sẽ hầu thần và biểu diễn”.
Mặc dù có nhiều nhân vật được xây dựng có nét tương đồng với nghệ thuật bả trạo, như: Lồng đèn, chấp sự, quân lính (giống như quân trạo trong bả trạo) nhưng nếu nghệ thuật bả trạo thể hiện tính văn gắn với biểu diễn có tuồng tích, chương hồi thì nghệ thuật múa gươm lại không hát, mà chủ yếu biểu diễn các động tác múa võ, như: Múa roi, dương cung, xóc đao, chém kiếm, múa rìu… thể hiện như một đội quân đang đi trên thuyền ra khơi bảo vệ, hộ tống thần Nam Hải, vừa là những người biểu diễn nghệ thuật cho thần xem.
Đội gươm ở Vĩnh Lợi xây dựng với 17 nhân vật, gồm 1 chấp sự, 4 bộ tướng cầm binh khí là rìu, hai bên có 12 quân lính cầm đại đao. Tất cả đều hóa trang, phục trang theo nghệ thuật tuồng Bình Định. Chấp sự chịu trách nhiệm dẫn dắt cả đội múa qua hiệu lệnh trống, 4 bộ tướng cầm rìu theo kiểu là tướng lĩnh dẫn quân gác bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trên thuyền; hai bên quân cầm đại đao thể hiện trạng thái sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy trên biển.
Ông Đỗ Như Ý, Vạn trưởng làng chài Vĩnh Lợi, cho biết: “Ở Vĩnh Lợi hằng năm có hai lần tổ chức lễ hội cầu ngư vào tháng giêng âm lịch tại Lăng Ông đại và tháng tư âm lịch tại Lăng Từ đường, đều có biểu diễn múa gươm, bả trạo. Nghệ thuật múa gươm, bả trạo ở đây có từ xưa kia, nhưng bị gián đoạn bởi nhiều lý do. Mãi đến năm 2000, ngư dân địa phương cùng chung tay phục dựng, duy trì biểu diễn tới nay để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, điểm xuất phát của nghệ thuật múa gươm hầu thần nhiều khả năng là từ làng chài Bình Thái do ông Bầu Đê - một người rất giỏi võ và giỏi tuồng (Ông Bầu Đê là học trò của ông Dương Đồng Luân và ông Luân là học trò cụ Tú Diêu, tức nhà soạn tuồng nổi tiếng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu) sáng tạo, dàn dựng. Sau đó truyền dạy cho nhiều học trò khác, từ đó lan rộng khắp nơi.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nghệ thuật này bị mai một, đến nay chỉ còn làng biển Vĩnh Lợi, Nhơn Hải còn gìn giữ nghệ thuật múa gươm. “Cùng với nghệ thuật bả trạo, nghệ thuật múa gươm cũng là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân các vùng biển ở Bình Định. Việc ngư dân còn gìn giữ, bảo tồn những bộ môn nghệ thuật này là điều hết sức đáng quý. Tuy nhiên, mỗi nơi có những kiểu làm, cách biểu diễn khác nhau, không sao tránh khỏi tam sao, thất bản. Nên chăng cần có động thái nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, dàn dựng lại để phát huy hơn nữa những bộ môn nghệ thuật đặc sắc này”, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha bày tỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN