Từ cái cúi chào nghĩ đến sự tử tế
Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của U23 Việt Nam tại vòng bảng môn bóng đá nam ở SEA Games 31 có lẽ đến từ trận đấu giữa chủ nhà với U23 Timor-Leste. Đó là khi bị thay ra ở phút 75, tiền vệ Huỳnh Công Đến, cầu thủ sinh ra ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) lễ phép sang cúi chào HLV Fabio Magrao của U23 Timor - Leste trước khi trở về khu kỹ thuật đội nhà trong trận đấu tối 15.5.
Khi thấy học trò sang bên khu vực đội bạn, HLV Park Hang Seo không hiểu tại sao và quay lại hỏi các trợ lý. Hiểu rõ sự việc, ông chờ cầu thủ sinh năm 2001 trở lại bắt tay động viên và tỏ ý khen ngợi. Đây là hành động đẹp của cầu thủ trưởng thành từ Trung tâm PVF trước khi khoác áo CLB Phố Hiến ở giải V-League 2.
Ở trận đấu gặp U23 Timor-Leste, Công Đến đá chính thay cho Đỗ Hùng Dũng và anh thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh trái. Anh thường di chuyển sát đường biên và vài lần nhận những hành động fair-play của HLV Fabio. HLV Timor-Leste lấy bóng đưa cho cầu thủ này ném biên. Cách nhận bóng của anh cũng rất lễ độ. HLV Fabio còn mở nắp chai nước và đưa cho Công Đến uống khi cầu thủ này khát nước. Vì vậy mà hành động đẹp của tiền vệ U23 Việt Nam sau khi được thay ra thể hiện tinh thần trân trọng nét fair-play của HLV đội bạn.
Ở SEA Games 31, Công Đến thường được vào sân từ ghế dự bị và thỉnh thoảng được điền tên trong đội hình xuất phát. Anh chơi tròn vai và khá tích cực trong tranh chấp cũng như chạy chỗ. Hành động đẹp của Công Đến cũng dễ dàng nhận thấy ở một số cầu thủ trẻ khi thi đấu ở các giải trẻ quốc gia trong những năm vừa qua. Khi bị thay ra sân, các cầu thủ này đến khu vực của đội khách, vòng tay cúi đầu chào đội bạn và khán giả.
Từ cái cúi chào đầy lễ phép của Huỳnh Công Đến, bỗng nhớ đến những lần chào khán giả của CLB TopenLand Bình Định trong hai mùa giải vừa qua. Dù đá sân nhà hay sân khách, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng luôn tiến về phía khán đài và cúi chào người hâm mộ bóng đá đất Võ. Hành động ấy không đơn thuần là lời cảm ơn mà hàm chứa cả đạo đức và văn hóa thể thao trong bóng đá. Những thứ vốn tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng hầu như bị lãng quên nhiều năm, nhất là ở môi trường thể thao thường bị xem nặng về tính cạnh tranh hơn là hình ảnh văn hóa.
Để thể thao không chỉ là những con số, bó hẹp trong khuôn thước của những tấm huy chương, từ phía ngược lại có lẽ khán giả cũng nên dành cho những hành vi đẹp ấy sự trân trọng cần thiết của người hâm mộ, đơn giản là bởi vì mọi sự tử tế đều rất cần được ghi nhận bằng sự tử tế khác không kém. Thể thao khi ấy còn thể hiện tinh thần giáo dục.
THIÊN TRÚC