Phát huy chính sách bảo hiểm chăn nuôi
Việc mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm chăn nuôi và các rủi ro tác động đến hoạt động chăn nuôi được đền bù thiệt hại - theo quy định tại Quyết định 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ - sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ gia đình nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia bảo hiểm chăn nuôi và có thêm động lực phát triển ngành nghề.
Theo Quyết định số 22/2019 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Bình Định được Trung ương chọn thực hiện bảo hiểm chăn nuôi (BHCN) cho 2 loại vật nuôi là trâu và bò. Đối tượng thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm/năm; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi tham gia BHCN bị thiệt hại do thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt sạt lở đất, nắng nóng), dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận (bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán…) sẽ được đơn vị thực hiện BHCN bồi thường thiệt hại.
Chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại chăn nuôi heo tại huyện Hoài Ân tham gia BHCN. Ảnh: TIẾN SỸ
Được ngành chức năng, chính quyền địa phương và Công ty Bảo Minh Bình Định (đơn vị thực hiện BHCN) tư vấn, hướng dẫn, đầu năm 2021, ông Phạm An, ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân đã mua BHCN cho 2 con bò thịt với số tiền bảo hiểm 30 triệu đồng/năm, tổng phí bảo hiểm hơn 1,1 triệu đồng. “So với trị giá của 2 con bò, mức phí 110 nghìn đồng/năm tôi phải đóng là không đáng kể, phần còn lại được Nhà nước hỗ trợ. Nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh khiến bò chết, công ty bảo hiểm họ đền bù từ 9 - 10,5 triệu đồng/con. Điều đó cho thấy, lợi ích từ việc tham gia BHCN là không hề nhỏ”, ông An cho biết.
Theo ông Lê Văn Tấn, Trưởng Phòng kế toán tổng hợp- Công ty Bảo Minh Bình Định (đơn vị được tỉnh chọn thực hiện BHCN), đến tháng 12.2021, công ty đã ký 7 hợp đồng BHCN với UBND 7 xã: Ân Hảo Tây, Ân Tường Đông, Ân Hữu, Ân Phong, Ân Mỹ (huyện Hoài Ân); Hoài Mỹ, Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn) đại diện cho 339 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHCN cho 614 con trâu, bò với tổng số tiền bảo hiểm là 9,21 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm là 337,73 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 304 triệu đồng.
Tuy vậy, so với tổng đàn hơn 300 nghìn con trâu, bò của tỉnh thì số lượng trâu, bò được bảo hiểm còn quá ít. Nguyên nhân là do thời điểm triển khai chính sách BHCN, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền và người dân tập trung cho công tác phòng chống dịch. Hơn nữa, đối tượng được hỗ trợ phí BHCN và các loại bệnh tác động đến vật nuôi được đền bù còn hạn hẹp, nên nhiều hộ dân không mặn mà với BHCN.
Để tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi, năm 2021 UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách BHNN, cho phép Bình Định được tham gia đầy đủ các đối tượng bảo hiểm, bao gồm cả cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Và ngày 9.5.2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022 về chính sách BHNN từ tháng 6.2022 đến tháng 12.2025.
Theo đó, Bình Định được Trung ương chọn thực hiện BHCN cho 3 loại vật nuôi là trâu, bò, heo (đối tượng vật nuôi mới được hỗ trợ phí bảo hiểm) và thêm loại dịch bệnh (heo tai xanh) tác động đến vật nuôi được chi trả tiền đền bù bảo hiểm. Theo Sở NN&PTNT, với 720 nghìn con heo, Bình Định được xem là “vựa heo” của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhưng nghề chăn nuôi heo ở tỉnh ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Heo tai xanh là một trong 2 loại dịch bệnh đáng lo ngại nhất hiện nay. Dịch bệnh này do vi rút gây ra, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị; heo nhiễm bệnh thường chết nhanh với số lượng lớn, tốc độ lây lan cũng rất nhanh.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Chính sách BHCN theo quy định mới mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, chắc chắn số hộ tham gia BHCN sẽ nhiều hơn. Hơn nữa, chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc triển khai chính sách BHCN cũng thuận lợi hơn trước. Để chính sách đi vào cuộc sống, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với ngành chức năng có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Quyết định số 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, chủ động khảo sát đàn trâu, bò, heo trên phạm vi toàn tỉnh; tham vấn ý kiến của các cấp chính quyền và người chăn nuôi; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân; phối hợp với đơn vị thực hiện BHCN tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia BHCN đạt hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ