Xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn:
9,6 tấn lúa kém chất lượng, 700 nông hộ mắc kẹt
Vụ sản xuất Hè Thu năm 2022, HTXNN Dịch vụ tổng hợp Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn hợp đồng với Công ty TNHH Cường Tân (trụ sở chính ở tỉnh Nam Định, viết tắt là Công ty Cường Tân) cung ứng 9,6 tấn lúa giống lai gồm Nhị ưu 838, CT16 và TH3-3 cho nông dân. Tuy nhiên, khi ngâm ủ, tình trạng lúa chuyển màu đen, có mùi chua và tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 50% khiến 700 nông hộ “mắc kẹt” khi vào vụ sản xuất.
Được biết, số lúa giống đã đặt mua này sử dụng gieo sạ trên diện tích gần 200 ha, nhiều hộ dân đã làm đất, chuẩn bị gieo sạ thì đồng loạt phát hiện tình trạng trên. Hiện nay, HTX đã thu hồi đợt 1 khoảng 4,6 tấn (cả lượng đã ngâm ủ và chưa ngâm ủ) và đang tiếp tục thu hồi để làm việc với Công ty Cường Tân.
Công ty Cường Tân là đối tác cung cấp giống cho HTXNN Dịch vụ tổng hợp Bình Hòa (HTX Bình Hòa) đã nhiều năm. Và đây là lần thứ 2 giống của họ cung ứng cho HTX kém chất lượng. Ông Nguyễn Trọng Chinh, Giám đốc HTX Bình Hòa cho biết: “Sau khi phát hiện tình trạng lúa giống không nảy mầm, chúng tôi đã làm việc với Công ty Cường Tân. Và họ cũng đã cử người về địa phương kiểm tra, tổ chức thu hồi lúa giống đã cung ứng. Nay là lúc bà con đang gấp rút chuẩn bị sạ cho kịp thời vụ, nên chuyện phải ngừng ủ giống, gom lại để có cơ sở làm việc với phía Công ty Cường Tân thật chẳng đặng đừng. Trước mắt chúng tôi đã liên hệ với DN khác để mua lúa giống khác về cung ứng cho bà con để kịp sản xuất”.
Gần 200 ha lúa vụ Hè Thu của HTX Bình Hòa xuống giống đợt đầu sau 10 ngày tuổi vẫn rất còi cọc. Trong ảnh:Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc HTX Bình Hòa đưa phóng viên đi thực chứng ở cánh đồng thôn Trường Định(chụp sáng 31.5.2022). Ảnh: THU DỊU
Dẫn chúng tôi đi thực chứng trên những cánh đồng đã sạ lúa đợt đầu, chỉ vào những đám lúa lai còi cọc, thưa thớt, ông Chinh bày tỏ: Hiện HTX tập trung kiểm đếm các diện tích đã sạ, thu gom lúa giống và thống kê thiệt hại báo cáo với UBND xã Bình Hòa, Phòng NN&PTNT huyện để có giải pháp khắc phục khó khăn cho sản xuất của nông dân”.
Ngồi bên đám ruộng sạ hơn 10 ngày, ông Nguyễn Văn Thưởng, 62 tuổi, xóm 5, thôn Trường Định 2, nói: Vụ này, tôi mua 29 kg giống Nhị Ưu 838 để gieo sạ trên 8 sào đất của gia đình. Ủ xong đem giống đi sạ tôi thấy số nảy mầm chỉ được phân nửa, có nhiều hạt có lá mà không có rễ, tôi cố gắng chọn lại những hạt giống đã nảy mầm để gieo sạ trên diện tích 5 sào, số còn lại đem nộp lại cho HTX. Nhưng cả số giống sạ ép như thế đến 10 ngày tuổi vẫn rất thưa thớt, còi cọc, mắt thường nhìn thấy chỗ có chỗ không. Tôi mua thêm giống lúa khác gieo sạ bổ sung diện tích còn lại. Cách đây mấy năm, tôi cũng dùng giống từ Công ty Cường Tân do HTX Bình Hòa cung cấp, lần đó giống cũng có vấn đề nhưng khi đó tôi mới ủ nên thiệt hại đỡ hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thưởng bên đám lúa lai còi cọc ở cánh đồng đội 7 thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (ảnh chụp sáng 31.5.2022). Ảnh: THU DỊU
Bà Nguyễn Hữu Dung (thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa) cho hay:“Vụ này, tôi mua 30 kg lúa giống để sản xuất trên diện tích 10 sào. Khi mở bao bì ra, tôi phát hiện có nhiều điểm bất thường - hạt giống có mùi hôi, có hạt đen lẫn hạt vàng. Nhưng đáng tiếc là tôi vẫn ngâm ủ để gieo sạ. Sau khi ngâm ủ theo quy trình hướng dẫn thì tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 50% và cả trong số đã nảy mầm thì có hạt chỉ có mép lá, có hạt không có rễ… Lỡ ngâm rồi nên ráng sạ cho kịp. Sạ ép như thế nên nhìn ruộng lúa èo uột tôi rất lo!”.
Ruộng lúa ở Bình Hòa chủ yếu là chân đất thịt, nếu sử dụng giống lúa thuần thì dễ đỗ ngã. Hơn nữa những chân đất thịt rất mềm, dễ lún nên máy gặt liên hợp không vào đến nơi được, khó thu hoạch, công thu hoạch cao. Đó là lý do vì sao nhiều năm qua bà con ở đây chủ yếu sử dụng lúa lai…Thế nhưng với trục trặc kể trên, để kịp thời vụ hầu hết bà con sẽ phải chuyển sang dùng giống lúa thuần. Và như vậy, nếu thời tiết bất lợi xảy ra, lúa sẽ đổ ngã và thiệt hại thấy trước là rất lớn.
Ông Từ Văn Thái - xóm trưởng xóm 4, thôn Trường Định 2, gom số lúa giống kém chất lượng do Công ty Cường Tân sản xuất, cung cấp để nộp lại HTX Bình Hòa. Theo ông Thái, đợt lúa giống kém chất lượng này khiến hàng trăm nông hộ mắc kẹt. Ảnh: ĐINH NGỌC
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn cho biết, ngay trong sáng 1.6, Phòng giao cán bộ trực tiếp xuống địa phương, phối hợp với HTX, UBND xã Bình Hòa lấy mẫu giống, thống kê diện tích sạ, đánh giá nguy cơ thiệt hại. Đồng thời, chúng tôi cũng đã mời đại diện Công ty về làm việc trực tiếp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của dân. Dự kiến trong vài ngày tới chúng tôi sẽ gấp rút làm việc “ba mặt một lời” với DN - UBND xã Bình Hòa - HTX Bình Hòa và nông dân ở địa phương về sự việc này và tìm cách xử lý sao cho hợp lý, hợp tình.
Được biết cũng ngay trong sáng 1.6, sau khi nhận tin báo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã cử cán bộ trực tiếp về xã Bình Hòa lấy mẫu giống để phục vụ việc phân tích, tìm nguyên nhân của vụ việc trên.
THU DỊU - ĐINH NGỌC