Khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện chuyển đổi số
(BĐ) - Sáng 3.6, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên trong BCĐ.
Tại phiên họp, ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT (Thư ký BCĐ chuyển đổi số) báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh (đến ngày 31.5.2022) và kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của tỉnh.
Ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT (Thư ký BCĐ chuyển đổi số) báo cáo kết quả triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 DN hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động (Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile), với 1.723 trạm thu phát sóng di động; tỷ lệ phủ sóng di động 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ gần 56% hộ, hơn 99% xã. Cả tỉnh còn 5 thôn/làng thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa lõm sóng băng rộng di động, gồm: Kon Trú, làng O2, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); Canh Tiến, Cà Nâu, Canh Giao (huyện Vân Canh). 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện có quản trị mạng. 4 trường ĐH, CĐ có đào tạo CNTT (khoảng 800 sinh viên trình độ ĐH, CĐ/năm đào tạo)… Năm 2021, Bình Định xếp hạng 13/63 tỉnh, thành về chỉ số chính quyền số, 17/63 tỉnh, thành về chỉ số kinh tế số, xã hội số. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, thu hút khoảng 830 nhân sự của Công ty TMA Bình Định và Fsoft Quy Nhơn làm việc. Và hiện đang triển khai các công việc liên quan để tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung… Năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 16 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm nhiệm vụ theo kế hoạch của Trung ương.
Trong phiên họp, các thành viên BCĐ chuyển đổi số tỉnh đã cơ bản thống nhất kết quả thực hiện chuyển đổi số và các nhóm nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian đến; đồng thời, cùng nhau trao đổi, nhìn nhận thực trạng hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh… Từ đó, đề ra các giải pháp, kế hoạch tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về chuyển đổi số trong phiên họp thứ nhất của BCĐ chuyển đổi số tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban BCĐ chuyển đổi số tỉnh, cho rằng: “Chuyển đổi số chỉ thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, của tất cả các cơ quan, tổ chức. Đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm”.
Tại Bình Định, kế hoạch triển khai chuyển đổi số bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đơn cử như về cơ chế, chính sách để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa ban hành kịp thời, dẫn đến các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn lúng túng trong việc triển khai. Hạ tầng số được đầu tư từ nhiều nguồn lực, nhìn chung còn thiếu đồng bộ. Nguồn lực chuyển đổi số, trong đó có nguồn lực con người (về đào tạo, bồi dưỡng) và cả kinh phí phục vụ chuyển đổi số chưa được quan tâm đúng mức….
Quang cảnh phiên họp thứ nhất của BCĐ chuyển đổi số tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2025, Bình Định nỗ lực, phấn đấu nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Để hoàn thành các mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên vẫn là chuyển đổi nhận thức. Giải pháp cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình. Kinh nghiệm cho thấy, người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, DN có trách nhiệm, quan tâm đến kế hoạch, nơi đó triển khai chuyển đổi số rất nhanh, hiệu quả và ngược lại. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó có xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung.
“Sau cuộc họp hôm nay, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (BCĐ chuyển đổi số tỉnh kiểm tra kết quả triển khai). Tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện chuyển đổi số”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Trong bối cảnh nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cần chọn một số lĩnh vực trọng tâm, thiết thực mang tính cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân, DN, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh để tập trung triển khai; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, công thương, kế hoạch đầu tư; đồng thời, sớm hoàn thiện hồ sơ đề án để tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung… Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu thành viên BCĐ chuyển đổi số tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh quy chế làm việc, thông báo phân công thành viên, quyết định thành lập các tổ công tác của BCĐ chuyển đổi số tỉnh.
TRỌNG LỢI