Góp ý Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Dự án Luật Dầu khí
(BĐ) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chiều 3.6, các ĐQBH đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cần bổ sung, làm rõ những chính sách hình thành, phát triển những DN viễn thông, công nghệ thông tin, DN số chủ lực để thực hiện vai trò dẫn dắt hạ tầng công nghệ số.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba góp ý về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Luật áp dụng trong mối quan hệ với Luật Quy hoạch. Đối với khoản 4 Điều 11 “Các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện trong không gian, thời gian nhất định; bao gồm sử dụng trong các sự kiện đặc biệt được Chính phủ cho phép, hoặc sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu thử nghiệm công trình mới”, đại biểu Ba cho rằng quy định này nếu gắn với Luật Quy hoạch thì phải xem xét kỹ lưỡng xem có tương thích và cần có đánh giá tác động của nội dung này. Bởi, luật hiện hành không quy định các trường hợp được sử dụng tần số vô tuyến điện mà không phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện. Đồng thời, cần cụ thể hóa quy định xác định được các trường hợp đặc biệt.
Liên quan đến quy định về đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng băng tần, cần phải xem xét bản chất của việc đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng băng tần là hoạt động có tính chất quản lý nhà nước bình thường hay là một chế tài xử phạt quy định hành chính.
Quy định về điều kiện, thủ tục, công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo tổ chức thi cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có liên quan đến Luật Đầu tư. Đại biểu Ba đề nghị xem xét, nếu xác định đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải rà soát để đưa vào phụ lục số 4 của Luật Đầu tư hiện hành.
Liên quan đến việc cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển KT-XH, đại biểu cho rằng đây là một điểm đổi mới. Tuy nhiên, quy định này cần phải được rà soát lại để đảm bảo chặt chẽ về thẩm quyền quyết định cũng như trình tự thủ tục, các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc kết hợp với phát triển KT-XH, nhất là kinh tế, không ảnh hưởng đến an toàn, an ninh.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh góp ý Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh thống nhất với việc sửa đổi Dự án Luật Dầu khí trên quan điểm phải đặt lợi ích quốc gia, độc lập lên trên hết. Đại biểu Hạnh nhấn mạnh: Việc xây dựng luật chuyên ngành không làm ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển không gian biển, bảo vệ tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí, trong luật có ghi “thời gian thực hiện điều tra cơ bản về hoạt động dầu khí được triển khai trước, là căn cứ khoa học định hướng cho hoạt động dầu khí”. Như vậy, đây là hoạt động thời gian dài, có phạm vi rộng, mang tính định hướng. Trong trường hợp luật xung đột với các luật khác thì sẽ thực hiện theo luật nào, cơ quan soạn thảo luật cần quan tâm, có quy định.
Đối với nội dung miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với việc sử dụng khu vực biển để tìm kiếm, thăm dò dầu khí, đại biểu nhận thấy quy định này không tương thích với các luật khác, đề nghị điều chỉnh quy định này. Cũng cần quy định rõ đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí, hướng tới đảm bảo mục tiêu đề ra là bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm.
NGUYỄN MUỘI