Tinh vi thủ đoạn lừa đảo
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng với những phương thức, thủ đoạn đa dạng, đánh trúng tâm lý nạn nhân nên vẫn có nhiều người sập bẫy và mất tài sản.
Muôn kiểu lừa
Theo các cơ quan tố tụng, tội phạm lừa đảo thường sử dụng các cách thức như gửi tiền, quà từ nước ngoài; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại; giả danh các cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ Nhà nước gọi điện thông báo nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân có liên quan đến tội phạm hoặc gây TNGT; tuyển dụng nhân viên làm việc, tham gia vào các trò chơi trúng thưởng trên mạng.
Đây là những chiêu thức, thủ đoạn không mới nhưng lại là cái bẫy khiến nhiều nạn nhân sa chân. Mới nhất, ngày 30.5, bà L.T.T. (phường Đập Đá, TX An Nhơn) nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là thanh tra Bộ CA và Viện KSND tối cao, thông báo bà T. có liên quan đến đường dây rửa tiền, mua bán trẻ em nên cơ quan pháp luật yêu cầu thanh tra, kiểm tra số tiền trong tài khoản của bà T. Đồng thời, yêu cầu bà T. truy cập trang web 1130113vn.com và làm theo hướng dẫn của trang web này. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn cũng như cung cấp số tài khoản, mã OTP, bà T. phát hiện tài khoản ngân hàng có 4,3 tỷ đồng bị chuyển sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Theo cơ quan chức năng, ngoài sự tinh vi của tội phạm thì sự cả tin, hám lợi của bị hại cũng chính là mồi ngon để tội phạm này hoạt động. Mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp (SN 1982, TX Hoài Nhơn) phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt hơn 72 tỷ đồng. Hội đồng xét xử nhận định, chính sự chủ quan, hám lợi với mức lãi suất từ 0,3 - 0,6%/ ngày, các bị hại đã không xem xét kỹ việc làm ăn thật sự của Hiệp. Còn Hiệp tận dụng sự cả tin của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị tuyên phạt mức án chung thân. Ảnh: K.A
Không chỉ vậy, tội phạm lừa đảo còn thông qua mạng internet hack tài khoản cá nhân facebook, email, tạo những đường link về trò chơi, tuyển dụng việc làm, nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Đơn cử, ngày 1.6, chị T.T.K. (TP Quy Nhơn) đã bị lừa mất 15 triệu đồng vì nhận tin nhắn của người quen thông qua facebook nhờ chuyển tiền.
Cần thận trọng
Theo thống kê của CA tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tăng 6 vụ so cùng kỳ năm 2021. Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các ngành, các cấp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, CA tỉnh tập trung điều tra cơ bản, rà soát, lập chuyên án đấu tranh mạnh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, CA các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, kinh doanh trên mạng, xuất khẩu lao động.
“Người dân nên hạn chế truy cập vào các trang web lạ, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hoặc cho người lạ. Không cho mượn, cho thuê hoặc cho chụp ảnh các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, CMND, thẻ ngân hàng. Không cung cấp mã OTP, không chuyển tiền cho bất kỳ ai không có căn cứ. Báo ngay cho cơ quan CA và ngân hàng để kịp thời phong tỏa tài sản, ngăn chặn đối tượng rút tiền tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đại tá Nguyên khuyến cáo.
Trong khi đó, theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, tội phạm lừa đảo có chiều hướng phức tạp, số tiền trong từng vụ án thường lớn và kéo theo nhiều bị hại. Ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để kịp thời đưa ra xét xử các vụ án về kinh tế, sở hữu, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên phạt các mức án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
KIỀU ANH