LẤN CHIẾM MẶT NƯỚC ĐẦM THỊ NẠI NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÁI PHÉP:
Cương quyết xử lý, không để tái diễn
Sáng 3.6, các lực lượng chức năng của huyện Tuy Phước đã ra quân cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cá nhân có hành vi bao chiếm trái phép mặt nước đầm Thị Nại để nuôi trồng thủy sản. Đây là biện pháp nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ mặt nước đầm Thị Nại.
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, tình trạng người dân lấn chiếm mặt đầm Thị Nại để quây lưới nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép đã gây mất ANTT tại địa phương, phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện. Trước đây, chính quyền địa phương chỉ vận động người dân tự giác tháo dỡ và xử phạt vi phạm hành chính nên không đủ sức răn đe.
Do không xử lý nghiêm việc lấn chiếm mặt đầm Thị Nại nên nhiều hộ khác cũng bắt chước làm theo, mang tre, trảy, thậm chí lén lút chặt phá rừng đước để cắm cọc, quây lưới. Sau đó, dưới đáy thì thả nuôi sìa, nuôi cua; trên thì thả lưới lồng tận thu thủy sản, gây bức xúc cho người dân hành nghề khai thác thủy sản truyền thống; làm nguồn lợi thủy sản trên đầm ngày càng cạn kiệt.
Qua kiểm tra thực tế hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có 3 trường hợp vi phạm: Ông Nguyễn Nhẫn (ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa) lấn chiếm 0,57 ha; ông Nguyễn Huy Phong (ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) chiếm 1,7 ha mặt nước tại Khu nghiên cứu thực nghiệm và phục hồi nguồn lợi thủy sản thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại (do Trung tâm Khuyến nông tỉnh quản lý), dựng 1 chòi canh kết cấu bằng tre, có phủ bạc ni lông để bảo vệ; ông Hồ Văn Liền (cùng ở thôn Vinh Quang 2) chiếm dụng 1,5 ha.
Thời gian qua, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã thành lập các tổ công tác đến từng hộ vi phạm để tuyên truyền, vận động, yêu cầu tự giác tháo dỡ. Tuy nhiên, các hộ dân này không tự giác chấp hành, UBND huyện đã lập biên bản vi phạm, báo cáo UBND tỉnh cho phép tổ chức cưỡng chế bắt buộc.
Trong ngày 3.6, sau khi công bố các quyết định thi hành cưỡng chế, lực lượng chức năng đã tiến hành chặt bỏ toàn bộ các cọc tre, trảy, đước mà các hộ đã cắm xuống mặt nước đầm để khoanh nuôi thủy sản; đồng thời thu toàn bộ lưới, tháo dỡ chòi canh xây dựng trên mặt đầm. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, công tác cưỡng chế đã hoàn tất, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Theo ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), việc ra quân cưỡng chế các hộ vi phạm là rất cần thiết, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm Thị Nại, nhân dân địa phương ủng hộ cao. “Mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên duy trì tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Nhà nước cũng nên có chính sách giao quyền quản lý mặt nước đầm Thị Nại để nhân dân cùng có ý thức trách nhiệm bảo vệ hơn”, ông Biên kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ngọc Xuân, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã khu Đông tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không được tái lấn chiếm mặt đầm.
“Huyện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Về kiến nghị cần giao mặt nước cho nhân dân quản lý, bảo vệ, UBND huyện sẽ đề xuất với các cấp, các ngành chức năng. Trước mắt, huyện phát động nhân dân trồng rừng ngập mặn để tạo tính đa dạng sinh học, mở hướng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai”, ông Xuân nói.
NGUYỄN HÂN