Những thiết kế xanh
Cùng với xu hướng sống xanh, ngày càng nhiều phụ nữ xây dựng thói quen hạn chế dùng vật dụng làm từ chất liệu nhựa chỉ sử dụng một lần. Thay vào đó là những sản phẩm tái chế bắt mắt, thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao.
Xuất thân là thợ đan lát, chị Bành Thị Hồng Phương (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đam mê với việc thủ công. Chị sẵn sàng bỏ ra mấy ngày liền để mày mò, tìm ra cách “hô biến” những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi để làm thành những món đồ trang trí rực rỡ, bắt mắt.
Chị Phương đang hoàn thiện các sản phẩm làm từ vỏ bắp, hộp thuốc, que gỗ... Ảnh: DƯƠNG LINH
Lúi cúi bên giỏ đồ nghề với súng bắn keo, kéo, máy duỗi cùng các nguyên vật liệu chính là vỏ bắp, chị Phương thoăn thoắt tạo ra nhiều bông hoa với đủ loại kích cỡ. Chị kể: “Mấy năm trước, thấy vỏ bắp dai, bền, có độ co dãn tốt nên tôi thử dùng nguyên liệu này để tái chế. Là nguyên liệu tự nhiên nên khi tiếp xúc với không khí ẩm trong thời gian dài, hoa sẽ lên mốc. Do đó, tôi đã mày mò, tìm ra cách để bảo quản hoa tốt, bền hơn, đồng thời dùng loại màu thực phẩm để tăng thêm màu sắc, giúp sản phẩm thêm đẹp”.
Từ đó đến nay, không chỉ dùng để làm hoa, vỏ bắp còn được chị Phương “biến tấu” bằng nhiều cách xoắn vòng, đan, thắt, tạo thành bình cắm đủ hình dáng, kích thước. Những hộp thuốc tây, mảnh gỗ, miếng vải vụn hay hạt cà phê, hạt cườm... cũng được chị sáng tạo, làm nên nhiều lẵng hoa, đồ chặn giấy khéo léo vô cùng. “Thay vì vứt đi, gây ô nhiễm môi trường, tôi nhặt nhạnh và tạo cho chúng vòng đời mới. Cứ thế, 2 tủ kính của gia đình đầy những món đồ tái chế; đây cũng trở thành món quà quen thuộc nhưng đầy ý nghĩa mà bạn bè rất thích thú khi được tặng”, chị Phương phấn khởi.
Cũng giống chị Phương, nhiều chị em “khéo tay hay làm” khác đã tạo ra nhiều thiết kế mới lạ, có tính ứng dụng cao. Hội LHPN tỉnh đã phát động cuộc thi “Thiết kế thông điệp và giải pháp trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường”, giúp chị em có cơ hội thể hiện sự sáng tạo trong mỗi ý tưởng.
Đơn cử, chị em Hội LHPN huyện Tuy Phước đã cùng nhau thu gom các chai nhựa đựng nước giặt, nước xả trong gia đình để làm thành góc ban công xanh. Mỗi ban công như thế sẽ tái chế được khoảng 20 - 30 chai nhựa, giúp giảm thiểu lượng vật liệu nhựa thải ra môi trường.
Để làm nên sản phẩm, nhóm 6 chị em đã dành ra 2 ngày để cắt, vẽ, sơn màu, tạo thành nhiều loại mặt nạ với biểu cảm khác nhau, có tác dụng như bình cắm hoa treo dọc ban công. Ngoài ra, các lốp xe đã qua sử dụng cũng được tận dụng, sơn, sửa để làm thành nhiều bồn hoa mini ngoài trời. Hiện tại, mô hình “Góc ban công xanh” mới được triển khai thí điểm tại thị trấn Tuy Phước.
Tận mắt chứng kiến “tấm áo mới” của ban công nhà mình, chị Lê Ngọc Nga (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) hào hứng: “Thay vì mua các chậu cây nhựa để trang trí khoảng không gian này, các chị tái chế rác thải nhựa mà gia đình nào cũng có, tạo thành các “bình hoa mặt nạ” vừa đủ màu sắc, lại tiết kiệm. Gia đình tôi thích thú khi là hộ dân thí điểm cho mô hình”.
Tương tự, với mong muốn hạn chế tình trạng vứt, đốt bừa bãi các bao bì đựng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương, chị em Hội LHPN huyện Phù Mỹ đã chọn vật liệu này làm túi xách. Với đặc tính bền chắc, nhẹ, không quá thô cứng lại dễ tìm, hầu như có sẵn trong mỗi gia đình, loại bao bì này được chị em khâu tay, gia công lại cho chắc chắn, tặng cho người dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để nhân rộng thiết kế sáng tạo này, Hội LHPN huyện đang xây dựng kế hoạch hướng dẫn kỹ thuật để chị em ở cơ sở tự tay làm. Có như vậy, “túi xách xanh” nói riêng và các thiết kế thân thiện với môi trường khác nói chung mới được nhiều người biết đến, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tạo thành lối sống tích cực, tiến bộ.
Chị Trần Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Mỹ, cho biết: “Việc tạo ra các sản phẩm tái chế cần đáp ứng các tiêu chí như: Nguyên vật liệu dễ tìm, dễ gia công, thiết kế có tính ứng dụng cao và thuận lợi trong việc hướng dẫn kỹ thuật để ai cũng có thể tham gia, cho ra đời những sản phẩm độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân”.
DƯƠNG LINH