Th.S Đặng Minh Tấn: Thành công chỉ đến khi mình tâm huyết, đam mê
Ngày 11.5 vừa qua, tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021), giải pháp “Hệ thống bản đồ jMap” của Th.S Đặng Minh Tấn, sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Đất đai đo đạc bản đồ thuộc Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) đã đạt giải nhì ở nhóm lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông. Anh Tấn đã trò chuyện với Báo Bình Định…
Đầu tư thấp, hiệu quả cao
Giải pháp “Hệ thống bản đồ jMap” của Th.S Đặng Minh Tấn khá mới mẻ và sáng tạo. Với việc thành lập, quản lý, tra cứu và công khai các loại bản đồ trên nền tảng webgis, “Hệ thống bản đồ jMap” đã đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin bản đồ phục vụ công tác quản lý nhà nước và các hoạt động chuyên môn của nhiều tổ chức, cá nhân. Phần mềm này đem lại sự tiện lợi cho người dùng trên nhiều thiết bị công nghệ thông dụng, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí đầu tư hạ tầng CNTT khi triển khai.
* Vì sao anh quyết định chọn nghiên cứu giải pháp “Hệ thống bản đồ jMap”?
- Hơn 20 năm công tác tại Sở TN&MT, tôi hiểu những khó khăn, bất cập khi sử dụng các phần mềm bên ngoài để xử lý công việc, nhất là phần mềm xây dựng bản đồ chưa đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của địa phương. Chưa kể, chi phí để mua chúng khá lớn... Thực tế đó làm tôi trăn trở và nảy ra ý tưởng nghiên cứu xây dựng bộ phần mềm thành lập các loại bản đồ đáp ứng được những đòi hỏi cụ thể của công việc và giảm dần sự phụ thuộc từ bên ngoài. Hiện nay, mọi người có thể tra cứu thông tin trên hệ thống bản đồ jMap tại địa chỉ https://www. quyhoachbinhdinh.vn và dễ dàng nắm bắt được các thông tin cần thiết, như: Vị trí, hình dáng, kích thước, loại đất, diện tích đất...
Về mặt kỹ thuật, bản đồ jMap chưa phải là hệ thống tối ưu nhất đâu, thông dụng và mạnh nhất hiện nay là các phần mềm chuyên nghiệp như ArcGIS Server hay GeoServer để vận hành các cơ sở dữ liệu webgis. Tuy nhiên, chi phí bản quyền, đầu tư hạ tầng CNTT và việc duy trì vận hành chúng khá cao. Hiện nay jMap đáp ứng khá tốt nhiều mặt về chuyên môn và có tính ứng dụng thực tiễn cao..., tôi nghĩ trước mắt thế là được.
* Nếu không kể đến yếu tố chi phí, thì…
- Vâng, khác biệt lớn nhất của jMap là sử dụng cấu trúc dữ liệu địa lý geojson để lưu trữ dữ liệu và trình diễn nhiều loại bản đồ khác nhau, như: Bản đồ quy hoạch, hiện trạng, địa chính, chuyên đề… gọn gàng và linh hoạt. jMap cũng không đòi hỏi nhiều về hạ tầng công nghệ nhưng lại giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin bản đồ cần thiết. Nhanh - nhẹ - dễ dùng khiến jMap có thể chạy nhanh - mượt trên nền tảng web và cả điện thoại di động.
Nhu cầu tra cứu thông tin về đất đai, quy hoạch ngày càng lớn, jMap đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận thông tin trên nhiều lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và công khai trong công tác quản lý.
Th.S Đặng Minh Tấn tại Lễ tôn vinh danh hiệu trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: TRỌNG LỢI
Thành công nhờ kiên trì, nỗ lực
Giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần này làm phong phú thêm bảng thành tích của Th.S Đặng Minh Tấn trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tính từ năm 2010 đến nay, anh đã 4 lần đạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định, với các giải pháp mang tính ứng dụng cao, như: LandReg Professional (phần mềm thành lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất); LandMap Solutions (bộ phần mềm thành lập các loại bản đồ trong lĩnh vực địa chính); MapSubject (phần mềm thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất); hệ thống bản đồ jMap (xây dựng và công khai thông tin bản đồ trên nền tảng webgis). Và, anh cũng đã 2 lần vinh dự được tôn vinh “Trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh Bình Định” vào năm 2018, 2022.
* Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của anh đều có tính ứng dụng cao…
- Như tôi đã nói, nghiên cứu nào của tôi cũng bắt đầu từ việc phải trả lời một hoặc vài câu hỏi nào đó, và đến nay tất cả đều liên quan sát sườn đến công việc của tôi. Như thế ngay từ điểm xuất phát, chúng buộc phải có tính ứng dụng cao.
* Dường như, anh vẫn luôn trăn trở với các ứng dụng của mình…
- Tạo ra một sản phẩm được xã hội chấp nhận, đem lại cho tôi sự vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng phần mềm nào cũng cần liên tục cập nhật (update). Dù hoàn hảo đến đâu thì khi va chạm vào thực tế muôn hình vạn trạng, ứng dụng nào cũng sẽ bộc lộ những lổ hổng, khiếm khuyết buộc mình phải vá, bù khuyết. Cũng có thể do quá trình vận hành, chính mình sẽ phát hiện những điểm cần tinh chỉnh và mình tiến hành cập nhật để phát triển phầm mềm. Viết xong một phần mềm tốt đến mấy vẫn cần lắng nghe, quan sát và phân tích các phản hồi (feedback), trăn trở cũng là chuyện hết sức bình thường thôi!
Vì thế tôi mong các cá nhân, đơn vị đã sử dụng sản phẩm sẽ cùng nhau nâng cao hơn nữa tính hữu dụng của phần mềm, ứng dụng. Bản thân tôi, như đã nói, luôn lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa sản phẩm từ góp ý của người dùng; ổn định và mở rộng khách hàng để tạo nguồn lợi mới và phát triển bền vững.
Th.S Đặng Minh Tấn cập nhật dữ liệu trên hệ thống bản đồ jMap. Ảnh: TRỌNG LỢI
Khuyến khích người trẻ nghiên cứu khoa học
Th.S Đặng Minh Tấn là gương mặt tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông tại các cơ quan nhà nước của tỉnh Bình Định. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, anh còn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, tìm kiếm nhiều giải pháp ưu việt phục vụ đắc lực cho hoạt động của ngành TN&MT, trong đó có lĩnh vực đất đai mà anh đang đảm trách…
4 giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định của Th.S Đặng Minh Tấn đạt được, gồm có 3 giải nhì vào các năm 2010 - 2011, 2016 - 2017, 2020 - 2021 và 1 giải nhất năm 2012 - 2013, cùng nhiều bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh…
* Theo anh, cần làm gì để đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo?
- Để phong trào thi đua lao động sáng tạo đạt hiệu quả hơn nữa, tôi nghĩ, mỗi cá nhân phải có sự đam mê tìm tòi, khám phá; không tự mãn với những gì đã có mà luôn cố gắng suy nghĩ, tìm tòi, nảy sinh ý tưởng mới mẻ, hiệu quả để làm tốt hơn công việc được giao. Các đơn vị, DN… cũng cần quan tâm, động viên, khuyến khích, đầu tư và thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo.
* Nếu chia sẻ với các bạn trẻ có mong muốn và đam mê nghiên cứu khoa học, anh sẽ nói điều gì?
- Hiện nay, vận dụng CNTT vào công việc hằng ngày là yêu cầu tất yếu. Các bạn hãy chuẩn bị cho mình hành trang là tinh thần cầu tiến, nhạy bén với cái mới, năng động, sáng tạo trong công tác. Hãy xem đó vừa là thách thức, vừa là nhiệm vụ của người cán bộ, công chức, viên chức để luôn thích ứng và không ngừng tiến bộ. Các bạn trẻ cũng cần phải chủ động, tích cực hưởng ứng các phong trào lao động sáng tạo tại cơ quan để có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Thành công chỉ đến với những người có tâm huyết và đam mê...
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)