Mồng 5 tháng 5 âm lịch: Tết giữa năm của người Việt
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch là Tết Đoan Ngọ của người Hoa, liên quan những giai thoại tưởng niệm Khuất Nguyên trầm mình giữa dòng Mịch La, hay Lưu Thần - Nguyễn Triệu vào núi hái thuốc gặp tiên. Nhưng đó là kết quả đến sau của hiện tượng giao thoa văn hóa, chúng tôi tin rằng người Việt xưa đã có Tết giữa năm - Mồng 5 tháng 5 của mình, còn gọi là Tết giết sâu bọ.
Còn các yếu tố liên quan đến người Hoa là yếu tố đến sau, nói vui thì nó như một thứ gia vị cho “nồi canh” đã nấu xong. Nói cách khác khi cùng gọi đó là Tết Đoan Ngọ nhưng hình dung và cách thụ hưởng sự kiện này của người Việt có nhiều nét khác với người Hoa.
Vì sao gọi tháng 5 âm lịch là giữa năm?
Cấu trúc lịch cổ theo tuần trăng hầu hết cả Á lẫn Âu, cũng như của người Việt đều chỉ có 10 tháng. Cải tiến lịch theo chuyển vận mặt trời cho phù hợp chu kỳ khí hậu, người Việt xưa áp dụng yếu tố Tiết Khí, mới biến lịch thành 12 tháng. Hai tháng thêm vào là Chạp và Giêng. Người Việt có câu nói theo thứ tự của tháng trong năm là “Một, Chạp, Giêng, Hai”... Tháng Một ngày xưa, giờ gọi là tháng 11 âm lịch, hay tháng Tý, lấy Chi đầu tiên trong Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo… để đặt tên cho tháng Một.
Ăn Tết Nguyên đán tháng Giêng (tức tháng Dần) là theo Lịch Kiến Dần, Ăn Tết tháng Một là theo Lịch Kiến Tý. Không loại trừ người Việt cổ đã ăn Tết Nguyên đán vào tháng Một. Thời nhà Nguyễn, người Sơn Tây lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm mới. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức chép: Thổ dân ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hằng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày mồng 2 làm đầu tháng và lấy ngày mồng 1 làm cuối tháng…
Làm bánh trôi, bánh chay dịp Tết Đoan Ngọ. (Tranh lấy từ sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger).
Nhưng vì sao người Việt lại ăn tết giữa năm? Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt có câu ca: Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/ Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng… Tháng Tư làm mạ để chuẩn bị cho vụ Mùa, trong khi bước qua tháng Năm lại là tháng thu hoạch vụ Chiêm: Tháng Năm gặt hái đã xong/ Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy…
Trải nghiệm trồng trỉa lâu đời của người Việt, sau cây mưa sung vũ thường có vào tiết Tiểu Mãn hằng năm (tính trong trung bình nhiều năm thường rơi vào ngày 21.5 dương lịch), là tới tiết Mang Chủng (ngày 5 hoặc 6.6 dương lịch) tức thời điểm phải xuống giống, hoặc cấy hoặc gieo. Khoảng thời gian này, xét vào lịch đã cải tiến theo Tiết khí, biên độ xê dịch của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch bao giờ cũng xoay quanh, hoặc trước hoặc sau tiết Mang Chủng. Như vậy ăn mừng vào giữa năm, xem như là lễ Tết, là mừng đã thu hoạch xong vụ Chiêm, mừng đã xuống được giống vụ Mùa. Cư dân nông nghiệp lúa nước mừng như vậy là rất đỗi bình thường, cũng có thể nói thêm, từ khi thuần thục nghề làm lúa nước, không chừng người Việt đã biết ăn Tết giữa năm kiểu này.
Người Việt xưa ăn tết giữa năm ra sao?
Nông vụ ngày xưa phải cần tập trung lao động kịp thời. Ăn Tết giữa năm ngày xưa là ngày đoàn tụ của anh em, con cháu trong nhà. Nếp xưa để lại, nên khi Cao Bá Quát làm quan ở xa không về được với gia đình trong ngày Đoan Ngọ, vào tiết Đoan Dương, ông đã thốt: Mạc mạc gia hương lưỡng thân cách/ Thê thê ky hoạn nhất huynh dao… (Đoan Dương, tạm dịch: Mờ mịt quê nhà xa phụ mẫu/ Lăng xăng đất khách cách bào huynh…).
Tết Đoan Ngọ người Việt thường dùng rượu nhẹ như rượu nếp, hoặc rượu ngâm thảo dược như thạch xương bồ, uống để điều hòa khí huyết trước thời tiết vừa mưa to, vừa nắng gắt của tháng 5. Sách thuốc xưa mô tả thạch xương bồ là “loại cỏ trên đá, một tấc 9 cành, làm thuốc rất hay, uống lâu thành tiên”. Chắc có lẽ vậy mà ngày Đoan Ngọ xưa dân gian đã có tục uống rượu gọi là để diệt trùng bọ ở trong người, nên Tết nầy xưa đã gọi là “Tết giết sâu bọ”.
Hoặc là vào ngày này, mọi người thường đi hái lá thuốc về tắm rửa cho thông huyết mạch, tránh cảm mạo trong tiết khí này. Người Việt xưa còn lấy lá ngải bện treo trước cửa để ngăn khí độc vào ngày Đoan Ngọ. Cũng xin nói thêm rằng kiểu dùng tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay, mặc áo dấu, cột chỉ ngũ sắc vào bánh, gọi là dùng để cúng cho Khuất Nguyên… chúng vốn là tập tục ngoại lai, đã du nhập theo hướng trừ ma, trấn quỷ, mang màu sắc tà thần.
Tục hái lá trong ngày mùng 5 tháng 5. (Tranh lấy từ sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger).
Trong ngày Tết Đoan Ngọ xưa, vì vừa thu hoạch mùa màng nên chú rể người Việt có tục mừng cơm mới cho gia đình vợ sắp cưới. Học trò còn có tục sêu tết cho thầy dạy, lương phạn của những thầy đồ xưa chỉ nhờ vào thu hoạch suất ruộng công điền cấp cho mà tự canh tác.
Như đã nói ở trên, xét vào cái thuở mà canh tác, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… thu được mùa, xuống được giống, sao lại chẳng ăn mừng. Ăn cái Tết vào giữa năm như thế thuận theo đời sống thực tế cổ xưa và khớp với văn hóa Việt, chứ đâu để riêng gì tưởng nhớ Khuất Nguyên, người đã trầm mình xuống giòng Mịch La, cũng đâu phải để nhắc đến chuyện Lưu - Nguyễn, mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có mà văn hóa Việt đã thuần thục!
PHAN TRƯỜNG NGHỊ