Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh: Nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn lén lút lấn chiếm gần 15 ha đất rừng trên địa bàn xã. Đáng nói, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng này không kịp thời báo cáo vụ việc cho các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần 15 ha đất rừng bị người dân phá, lấn chiếm thuộc khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Suối Cát, tại tiểu khu (TK) 144, 145 và khu vực Trạm QLBVR Vĩnh Sơn, tại TK 110, 123, 124 (xã Vĩnh Sơn). Trong đó, diện tích đất có rừng gần 10 ha, diện tích đất không có rừng hơn 5 ha.
Trong diện tích này, có hơn 9,1 ha do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Công ty Sông Kôn) quản lý, bảo vệ; còn lại do UBND xã Vĩnh Sơn quản lý. Rừng tại khu vực này được Công ty Sông Kôn trồng theo mô hình rừng trồng phục hồi, xen giữa cây keo lai và sao đen; kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước.
Công ty Sông Kôn không kịp thời báo cáo các ngành chức năng khi phát hiện nhiều diện tích đất rừng do đơn vị quản lý, bảo vệ bị người dân lấn chiếm. Ảnh: V.L
Khi Công ty Sông Kôn trồng keo lai và sao đen được một thời gian, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn lén lút trồng xen cây mì, bời lời vào diện tích này. Chưa hết, các hộ dân còn nhổ hoặc bỏ thuốc cho chết cây do Công ty Sông Kôn trồng.
Năm 2020, qua kiểm kê rừng, Công ty Sông Kôn phát hiện gần 15 ha rừng bị người dân phá, lấn chiếm để trồng xen một số loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp. Thế nhưng, đơn vị không kịp thời báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng để kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Theo Công ty Sông Kôn, diện tích đơn vị trồng rừng phục hồi tại TK 110, 123, 124, 144, 145 là đất trống; trước kia từng bị người dân địa phương phá, lấn chiếm. Diện tích này manh mún, xung quanh là rẫy của người dân đang canh tác nên việc QLBVR gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ QLBVR sợ mâu thuẫn với người dân địa phương, dẫn đến khó khăn trong phối hợp QLBVR nên ngay từ đầu không ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc trồng xen cây. Khi kiểm tra, lực lượng QLBVR phát hiện mất một số cây, nghĩ không đáng kể nên không lập biên bản, không báo cáo bằng văn bản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sông Kôn, Công ty xác định có 38 thửa đất rừng bị 38 hộ dân lấn chiếm. Công ty đã tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc này; đồng thời, lập phương án trình các ngành chức năng liên quan xem xét hướng giải quyết.
Cụ thể, đối với diện tích đã trồng cây, Công ty yêu cầu các hộ dân cam kết sau khi thu hoạch cây bời lời, keo thì trồng lại cây bản địa đa mục đích như cây giổi ăn hạt, cây trám đen. Đối với diện tích đất trống, Công ty thu hồi, sau đó ký hợp đồng với hộ dân để họ trồng cây bản địa và hưởng lợi theo quy định. Riêng diện tích do địa phương quản lý, Công ty Sông Kôn sẽ có văn bản gửi UBND xã Vĩnh Sơn theo dõi, quản lý.
Trong khi đó, mới đây, UBND tỉnh ban hành thông báo số 133/TB-UBND ngày 24.5 giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Công ty Sông Kôn kiểm tra, xác minh, làm rõ đối tượng, vị trí đất rừng bị lấn chiếm trái phép để thu hồi theo quy định. Đồng thời, Công ty Sông Kôn kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc để mất cây trồng trên diện tích rừng trồng do Nhà nước đầu tư; trong đó, có diện tích hơn 9,1 ha bị người dân lấn chiếm nhưng không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
VĂN LỰC