PHÒNG, CHỐNG CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP TRONG MÙA HÈ:
Tăng cường giám sát, nâng cao ý thức phòng bệnh
Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển. Tính đến ngày 1.6, toàn tỉnh có 340 ca sốt xuất huyết và 55 ca tay chân miệng. Dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt nhưng các địa phương vẫn tập trung theo dõi, giám sát để xử lý nhanh khi có ca bệnh xảy ra.
Không chủ quan, liên tục theo dõi, giám sát
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát triển trong khi ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như: Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm màng não mô cầu, viêm não Nhật Bản... Hơn nữa, hiện nay nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại do chủ quan khá cao, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sẽ rất nguy hiểm.
Bác sĩ tư vấn cho phụ huynh về cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ. Ảnh: Đ. THẢO
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nhìn chung, hiện nay một số địa phương trong tỉnh đã ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng nhưng ít hơn cùng kỳ năm ngoái. Khi phát hiện ca bệnh, ngành Y tế các địa phương đã chủ động giám sát, xử lý rất sớm. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế và sự chủ động theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh, chúng tôi liên tục chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động giám sát, phát hiện, phòng, chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên đi giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cơ sở cũng chung tay phối hợp chặt chẽ để phát hiện ca bệnh, báo cho các cơ sở y tế. Ông Lê Văn Trị, Trưởng thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, trước khi bước vào giai đoạn thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền cho người dân trong thôn; thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của bà con nếu có biểu hiện bất thường thì báo ngay cho cơ sở y tế để cùng phối hợp xử lý, đảm bảo sức khỏe cho người dân trong thôn.
Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân
Với 108 ca, hiện huyện Hoài Ân là địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết nhất tỉnh. Bên cạnh công tác xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh, địa phương còn tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Để bảo vệ sức khỏe của người dân, ngành Y tế huyện chủ động, liên tục theo dõi tình hình dịch bệnh qua nhiều kênh; khi phát hiện ca bệnh lập tức phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, bắt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi theo quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, cho biết: Chúng tôi thiết lập kênh thông tin với chính quyền xã, y tế thôn phối hợp theo dõi để chủ động phát hiện sớm các loại dịch bệnh khác. Với quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn là quan trọng nhất. Do vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để mỗi người ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động phòng tránh.
Là bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa hè (tháng 4 đến tháng 10), gần đây bệnh sốt xuất huyết Dengue có nhiều biểu hiện lâm sàng phức tạp, dễ bị nhầm sang bệnh khác và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm, xử trí kịp thời. Theo bác sĩ Phạm Châu Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh), bên cạnh sự vào cuộc của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân là hết sức quan trọng. Hằng tuần, nên kiểm tra khuôn viên trong gia đình, phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy và phát triển thành muỗi truyền bệnh. Để phòng chống muỗi đốt, mọi người nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng, dùng bình xịt muỗi, hương diệt muỗi, vợt điện… để diệt muỗi. Trong nhà có người bị sốt xuất huyết phải cho nằm trong mùng, tránh muỗi đốt lây lan cho người khác. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đối với các loại dịch bệnh mùa nắng nóng, người cao tuổi và trẻ em là đối tượng dễ bị tác động. Bác sĩ Nguyễn Bá Hảo, Trưởng khoa Lão khoa (BVĐK tỉnh), cho biết: Mùa nóng, môi trường không khí cũng dễ phát triển vi khuẩn, vi rút. Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ mắc bệnh. Do vậy, người cao tuổi cần chú ý ăn uống hợp vệ sinh, cung cấp đầy đủ nước, khoáng chất, vitamin.
Đối với trẻ em, theo các chuyên gia y tế, mùa này trẻ dễ bị sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Do vậy, phụ huynh nên chú ý vệ sinh cho trẻ, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và tránh để trẻ thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, để phòng các bệnh thường phát triển mạnh vào mùa hè như cúm, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… mọi người có thể chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ để tiêm vắc xin phòng bệnh.
ĐỖ THẢO