Kiểm soát chặt điều kiện xuất bến của phương tiện thủy nội địa
Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa chưa thật sự chặt chẽ, nhất là về đăng ký, đăng kiểm. Không ít phương tiện vẫn hoạt động dù không có đăng ký, đăng kiểm hoặc có đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm; thậm chí hoạt động sai vùng cấp phép.
Thiếu điều kiện vẫn lén hoạt động
Tuyến Hải Cảng - Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) là tuyến đường thủy nội địa trên biển, các phương tiện muốn hoạt động phải có đăng kiểm cấp VR-SB (được phép hoạt động trên biển cách bờ không quá 12 hải lý, sóng gió không quá cấp 5). Tuy nhiên, 5 phương tiện vỏ gỗ đang hoạt động trên tuyến này đều không có đăng kiểm đúng quy định. Cụ thể, 5 phương tiện này chỉ mới được Chi cục Đăng kiểm 4 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) cấp Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với vùng hoạt động là cấp VR-SI (chỉ được phép hoạt động từ cửa sông trở vào, hồ, đầm, vịnh kín). Ông M., 1 trong 5 chủ phương tiện hoạt động trên tuyến này, cho biết: “Để đăng ký, đăng kiểm theo quy định phải mất 10 - 15 triệu đồng, tôi không đủ điều kiện kinh tế để làm, nên chỉ biết hoạt động lén thôi”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra tại các bến, bãi để kiểm soát chặt các phương tiện không đủ điều kiện xuất bến. Ảnh: K.A
Qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 300 phương tiện thủy nội địa thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa của người dân được nâng lên rõ rệt.
Song, hiện nay vẫn tồn tại khoảng 70 phương tiện hoạt động dù không có đăng ký, đăng kiểm, hoặc có đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm. Nguyên nhân là nhiều phương tiện trước đây đóng theo kiểu truyền thống để hoạt động chở khách dân sinh, không có hồ sơ thiết kế và không đủ thủ tục để đăng kiểm. Chưa kể, trong số gần 100 ca nô cao tốc hoạt động vận chuyển khách du lịch, chỉ có khoảng 10% có đăng kiểm vùng hoạt động đúng quy định.
Theo trung tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh), trước đây, số phương tiện này đã được Sở GTVT đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện hoạt động. Từ khi Sở GTVT chuyển hồ sơ về Chi cục Đăng kiểm 4 thực hiện đăng kiểm thì số phương tiện trên không đủ điều kiện đăng kiểm vì thiếu hồ sơ, bản vẽ thiết kế ban đầu theo quy định.
“Tất nhiên, với những phương tiện không đủ điều kiện thì lực lượng CSGT kiên quyết lập biên bản đình chỉ hoạt động, giao chính quyền địa phương quản lý. Nhưng hiện nay, cái khó là không có chế tài thu giữ phương tiện, cũng không có bến bãi để tạm giữ phương tiện không đảm bảo quy định hoạt động. Thực tế này dẫn đến việc người dân vẫn lén lút hoạt động”, trung tá Vang cho biết.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Phương tiện vận tải đường thủy nội địa hoạt động theo đúng quy định pháp luật phải có các giấy tờ như: Bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, hóa đơn bán hàng, đăng kiểm... Đồng thời, phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn, có hệ thống PCCC, trang bị đầy đủ phao cứu sinh...
Cảnh sát giao thông kiểm tra đăng ký, đăng kiểm của các phương tiện đường thủy tại Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: K.A
Thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm nghiệp vụ GTVT liên kết với Trường CĐ GTVT đường thủy 2 (TP Hồ Chí Minh) tổ chức đào tạo, cấp 459 chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện và trên 300 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 3. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ điều kiện điều khiển ca nô cao tốc và các phương tiện thủy cấp VR-SB, đòi hỏi người điều khiển ngoài bằng thuyền trưởng còn phải có các chứng chỉ chuyên môn, như: Điều khiển phương tiện cao tốc; điều khiển phương tiện ven biển; an toàn ven biển, an toàn cơ bản; bằng máy trưởng, thợ máy...
Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết: “Sở sẽ tiếp tục rà soát, liên kết với các trường, cơ sở thực hiện đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn và nâng hạng bằng phương tiện thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Người dân có nhu cầu đăng ký, đăng kiểm phương tiện đã hết hạn đăng kiểm thì cần chủ động bổ sung đầy đủ hồ sơ thực hiện”.
Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ thanh tra các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông thủy nội địa, nhất là vận chuyển khách tham quan du lịch, để nâng cao ý thức tuân thủ quy định cũng như kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.
Còn CA tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo, vận chuyển khách du lịch tham quan trên biển. “Lực lượng sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết đình chỉ đối với cảng, bến hoạt động không phép, phương tiện vận chuyển khách không đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo an toàn; không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn”, đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết.
Để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, mỗi chủ phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, góp phần xây dựng Bình Định thành một điểm du lịch biển đảo thú vị và an toàn.
KIỀU ANH