CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ NEW ZEALAND:
Chuyển giao mô hình phù hợp, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ
Theo đánh giá của ngành NN&PTNT, sự hỗ trợ của Chính phủ New Zealand trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp cán bộ nông nghiệp và nông dân Bình Ðịnh biết cách thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hệ thống lại toàn bộ quy trình canh tác, các mô hình điểm, đã tác động và tạo được sự lan tỏa tích cực trên toàn tỉnh.
Nhằm đánh giá kết quả dự án Sinh kế nông thôn tỉnh Bình Định - Kết nối hộ nông dân và thị trường (2009 - 2013) và dự án Rau an toàn Bình Định (tháng 6.2016 - 5.2022), đồng thời chia sẻ về dự án An toàn đập tại Việt Nam, ngày 6.6, bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định.
Tối ưu hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp
Theo đánh giá của ngành NN&PTNT, điểm nổi bật nhất từ các chương trình hợp tác của Chính phủ New Zealand trong sản xuất nông nghiệp là giúp chúng ta nhìn nhận và tổ chức lại có hệ thống toàn bộ quy trình sản xuất; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nông nghiệp từ chuyên môn đến quản lý - từ tổ chức, hoạch định đến triển khai chính sách. Số cán bộ nông nghiệp được đào tạo trở thành các giảng viên trong việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; rất nhiều nông dân đã có kinh nghiệm tổ chức làm việc nhóm, biết cách thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đại sứ Tredene Dobson mua rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành tại Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), sản xuất VietGAP không còn xa lạ với nông dân Bình Định từ những hỗ trợ của dự án Rau an toàn Bình Định. Tỉnh ta có được hệ thống sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP phù hợp với thực tế của địa phương, đó là điều rất đáng quý. Nhưng điểm quý giá nhất là từ những điều vừa kể, không chỉ cán bộ mà cả nông dân đã có nhiều thay đổi trong tư duy canh tác.
Chia sẻ về hiệu quả của việc tham gia dự án Rau an toàn Bình Định, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), nói: “Từ dự án này, 11 năm trồng rau vừa qua của tôi và các thành viên HTX thay đổi rất nhiều. Dự án giúp tôi từ chỗ chỉ biết trồng rau nay còn biết cách tổ chức sản xuất, tiếp thị và bán sản phẩm chuyên nghiệp. Nhân chuyến thăm và làm việc của bà Đại sứ hôm nay, tôi chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ New Zealand giúp nông dân chúng tôi có những thay đổi tích cực thế này”.
Nhân rộng thành quả
Kết thúc dự án, Bình Định có 40 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn với 2.005 nông dân tham gia; phát triển được 80 ha rau được cấp chứng nhận hợp chuẩn VietGAP;
Dự án cũng giúp phía New Zealand có thêm kinh nghiệm
Dự án này không chỉ giúp nông dân Bình Định nói riêng, nông dân Việt Nam nói chung mà còn giúp phía New Zealand có thêm kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu cuối cùng mà cả phía New Zealand và Việt Nam hướng tới là ngày càng có nhiều nông dân thực hành sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson
50 cán bộ nông nghiệp được đào tạo trở thành giảng viên. Tất cả những giảng viên, nông dân này đều giữ vai trò hạt nhân trong việc nhân rộng và phát triển vùng rau an toàn Bình Định, đưa Bình Định thành “thủ phủ” rau khu vực miền Trung với định hướng đến năm 2025 phát triển 100 ha rau được cấp chứng nhận VietGAP, quy hoạch vùng rau trải đều các địa phương với diện tích 14.000 ha.
Trao đổi tại buổi làm việc với bà Tredene Dobson, TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: “Dự án này đưa tới sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp, đưa ra được hệ thống phù hợp với sản xuất nông hộ nhỏ và vừa, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Từ thành công này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh duy trì và nhân rộng thành quả của dự án ra toàn tỉnh. Đồng thời, mong bà Đại sứ quan tâm, kiến nghị Chính phủ New Zealand tiếp tục hỗ trợ Bình Định trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Đại sứ Tredene Dobson bày tỏ rất tự hào khi tham quan thực tế và thấy rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành bày bán tại hệ thống siêu thị hiện đại, được người tiêu dùng đón nhận. Và quan trọng hơn là nông dân Bình Định từ dự án đã học hỏi và áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP hiệu quả, ổn định cuộc sống.
THU DỊU