Vài lưu ý quan trọng dành cho các thí sinh
● Môn Ngữ văn - Gắn với chủ đề thời sự
Theo giáo viên Ngữ văn, thí sinh (TS) lưu ý bám sát cấu trúc đề thi để chủ động phân bố thời gian cho từng phần. Với dạng đề nghị luận xã hội, TS cần xác định rõ yêu cầu về hình thức; đọc kỹ văn bản trích dẫn (đặc biệt văn bản ngoài sách giáo khoa), nắm chắc vấn đề để không “lạc đề”.
Cô Nguyễn Thị Bích Oanh, khối trưởng khối 9 Trường THCS Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) nhấn mạnh đặc biệt việc cập nhật thời sự, theo dõi tin tức hằng ngày để “làm mới” nguồn dẫn chứng cho bài viết; khi viết, tránh liệt kê dẫn chứng hay chỉ sử dụng những dẫn chứng mang tính “truyền thống”. Bài văn nghị luận xã hội không đòi hỏi phải viết thật dài mà cần những dẫn chứng sắc sảo, tinh tế, thuyết phục.
Phần nghị luận văn học chiếm đến 60% điểm bài thi, do đó TS cần dành lượng lớn thời gian và công sức, tránh bỏ trống hoặc viết quá sơ sài. “TS phải nắm chắc nội dung và nghệ thuật tác phẩm, có thể hệ thống hóa kiến thức bằng những sơ đồ tư duy, để khi viết thỏa sức sáng tạo dựa trên kiến thức cơ bản. Tránh thuộc lòng từng câu chữ, cả bài rồi viết lại sẽ mất đi cái riêng, hoặc sẽ bỏ giấy trắng nếu đề ra vào phần “chưa thuộc”, cô Oanh nhấn mạnh.
● Tránh những sai lầm làm mất điểm Toán
Dựa trên đề thi lớp 10 môn Toán của tỉnh những năm qua, thầy Huỳnh Duy Thủy, tổ trưởng tổ Toán - Tin, Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) nhận định đề thi thường chạm đến 5 vấn đề, gồm các dạng toán “truyền thống”.
Thứ nhất là 2 bài toán nhỏ kiến thức liên quan đến rút gọn biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình hoặc hệ phương trình. Thứ hai, 2 bài toán nhỏ liên quan phương trình bậc hai có chứa tham số; bài toán về đồ thị tương giao giữa parabol và đường thẳng. Thứ ba, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình. Thứ tư, bài toán hình học. Thứ năm, bài toán liên quan bất đẳng thức, tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, nội dung này nhằm phát hiện học sinh thông minh, có tố chất học toán.
Các trường ở huyện Tuy Phước tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10. Ảnh: X.VINH
“Quá trình chấm thi cho thấy có nhiều sai lầm TS thường mắc phải dẫn đến mất điểm oan. Đó là bài giải thiếu hoặc quên đặt điều kiện để biểu thức tồn tại; khai căn sai; không kiểm tra khi chọn nghiệm; nhầm lẫn khi phân tích nhân tử; vận dụng bất đẳng thức Cauchy cho các đại lượng tùy ý… Tình huống mất điểm nữa là TS trình bày bài “nhảy cóc”, không liền mạch; thiếu kết luận”, thầy Thủy chia sẻ.
● Chú trọng phương pháp làm bài môn Tiếng Anh
Tiếng Anh là 1 trong 3 môn thi vào 10, nhưng theo thầy Nguyễn Hữu Tài, giáo viên Trường THCS Ngô Mây (Quy Nhơn), ở một số TS có tâm lý chỉ tập trung 2 môn Toán và Ngữ văn (vì nhân hệ số 2), không tập trung ôn luyện đúng mực cho Tiếng Anh, đặc biệt phương pháp làm bài. TS giải rất nhiều đề thi của các năm trước nhưng không nắm được phương pháp làm bài cho từng phần của đề thi cũng sẽ cho kết quả không như mong đợi. Nhiều TS học rất tốt nhưng trình bày bài làm kém dẫn đến mất điểm.
Thầy Tài lưu ý TS cần đọc kỹ yêu cầu đề. Bởi, nhiều TS làm bài theo thói quen hơn là theo phương pháp, rất dễ dẫn đến “câu đó có thể đúng nhưng sai so với yêu cầu đề”. Sau khi dành 10 phút nghiên cứu đề, TS cần xem câu nào, phần nào có thể làm được thì làm trước, không nhất thiết phải làm đúng thứ tự của đề. Đồng thời, kiểm soát bài làm bằng cách sử dụng bút chì để đánh ký hiệu phân biệt; kiểm tra bài làm thật kỹ trước khi rời phòng thi.
HOÀNG ANH