Vụ nổ mìn thi công công trình làm văng đá thủng nhà dân ở Tây Sơn: Cần khắc phục khẩn trương, hợp lý
Theo trình bày của ông Võ Ngọc Cung (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn): Trong quá trình thi công xây dựng công trình đập dâng Phú Phong, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng 47 đã dùng vật liệu nổ công nghiệp để thi công hố móng đập dâng, lúc 11 giờ 20 ngày 18.4.2022 xảy ra sự cố. Cụ thể, cục đá có kích thước khoảng 40 x 40 cm văng vào khu nhà trọ của ông Cung (ở số 286 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Phong) làm thủng mái tôn, rơi xuống làm thủng sàn bê tông (mê lỡ) của phòng trọ số 3.
Viên đá có kích thước khoảng 40 x 40 cm vẫn còn nằm trong nhà ông Cung. Ảnh: V.LƯU
Theo ông Cung, đơn vị thi công nổ mìn xem thường tính mạng, tài sản của người dân khi cho nổ mìn mà không thông báo, báo động. Rất may là vào thời điểm đó, phòng trọ không có người.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Cung báo với đơn vị thi công, đơn vị này có đến kiểm tra và đã lập biên bản kiểm kê thiệt hại, hứa sẽ khắc phục và đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, việc đền bù không được thực hiện, khiến việc kinh doanh của gia đình ông bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.
Quá bức xúc, ngày 29.4, ông Cung đến công trường tiếp tục yêu cầu giải quyết vụ việc; sau đó, chỉ huy công trường có tổ chức làm việc với ông. Trong biên bản làm việc, chỉ huy công trường thỏa thuận sẽ đền bù; tuy nhiên đơn vị thi công chưa xác định được giá trị thiệt hại vì không đủ chuyên môn để đánh giá. Sự việc từ đó đến nay lại tiếp tục rơi vào im lặng.
Đá văng vào nhà ông Cung làm thủng sàn bê tông, lộ cả khung sắt. Ảnh: V.LƯU
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban chỉ huy công trình xây dựng đập dâng Phú Phong (Công ty CP Xây dựng 47), xác nhận vụ việc đúng như ông Cung trình bày. Theo ông Khoa, đơn vị thi công đã thực hiện hàng chục vụ nổ mìn khác rất an toàn; tuy nhiên trong quá trình nổ mìn vào ngày 18.4, có thể một vài cục đá bay lung tung, không kiểm soát được, bay xa rơi vào nhà dân. Do đó, Công ty sẽ chịu mọi chi phí để khắc phục sự cố trên cơ sở thẩm định thiệt hại.
“Trước mắt, chúng tôi cho xây dựng lại mái tôn để tránh mưa dột, nhưng gia đình ông Cung không đồng tình. Ông Cung đã gửi đơn và chúng tôi cũng đã chuyển lên Công ty. Công ty đang thành lập đoàn để thẩm định, đánh giá mức độ thiệt hại rồi mới tiến hành đền bù. Tuy nhiên, do lãnh đạo Công ty đang đi công tác ở Lào chưa về nên chưa thể giải quyết được”, ông Khoa cho hay.
Liên quan vụ việc này, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư dự án), cho biết: Sau sự việc đáng tiếc xảy ra ngày 18.4, đơn vị thi công có báo cáo, Ban đã yêu cầu Công ty CP Xây dựng 47 nhanh chóng thỏa thuận đền bù với gia đình bị hại, khẩn trương khắc phục sự cố. Tuy nhiên, trong biên bản làm việc ngày 29.4, chủ nhà yêu cầu phải đền bù với mức giá 720 triệu đồng cho một lỗ thủng mái tôn và sàn bê tông là không thể chấp nhận được. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, sắp đến, Ban sẽ phối hợp với UBND huyện Tây Sơn chủ trì cuộc họp, mời các đơn vị chức năng của huyện xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó sẽ thỏa thuận mức đền bù hợp lý.
“Nếu chủ nhà không chấp nhận thì khởi kiện ra tòa; lúc đó tòa định giá thiệt hại bao nhiêu thì đền bù bấy nhiêu”, ông Thi nói.
VĂN LƯU