Sẵn sàng mọi tình huống, chuẩn bị chu đáo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
(BĐ) - Sáng 8.6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo (ảnh).
Ảnh: T.H
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2021, chỉ có một số điều chỉnh kỹ thuật. Thời điểm này ngành giáo dục đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho kỳ thi. Trong quá trình tổ chức thi và kiểm tra, yêu cầu các địa phương lưu ý hỗ trợ tối đa cho Sở GD&ĐT chuẩn bị thật tốt về khâu chuyên môn cho học sinh bước vào kỳ thi một cách tốt nhất cả về kiến thức, tâm lý; hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa vấn đề đi lại, lưu trú. Đặc biệt, các địa phương quan tâm khâu kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các khâu đề thi, chấm thi và các khâu liên quan, nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật, trật tự trong kỳ thi.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8.7, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện công tác đề thi, phần mềm tổ chức thi theo quy định; tổ chức tập huấn để quán triệt quy chế, nghiệp vụ tổ chức, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi cũng như chấm các môn thi trắc nghiệm đến các địa phương.
Tại Bình Định, theo Sở GD&ĐT, có 18.601 thí sinh đăng ký dự thi; bố trí 43 điểm thi với 796 phòng thi. Đến nay đã xây dựng kế hoạch nhân sự tham gia kỳ thi với hơn 2.300 người.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, dù năm nay Covid-19 được kiểm soát, nhưng những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Do đó, Bộ GD&ĐT đã có phương án tổ chức thi cho các trường hợp thí sinh có liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt lường trước, dự phòng những phát sinh. Đối với thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận của cơ quan thẩm quyền cấp sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT, trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi phải nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19, được cha mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia lưu ý 7 vấn đề quan trọng trong chuẩn bị, tổ chức kỳ thi. Các vấn đề này liên quan đến quán triệt nhận thức về vai trò quan trọng của kỳ thi; xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn; lựa chọn, bố trí nhân sự tham gia kỳ thi; chuẩn bị cơ sở vật chất; công tác tập huấn; phòng chống dịch Covid-19; công tác thanh tra, kiểm tra và chế độ thông tin báo cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Mục đích thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tổ chức thi “nghiêm túc, an toàn, chất lượng”.
THU HIỀN