Nâng cao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ
Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II - cụm VI vòng loại năm 2022, do Bộ CA phối hợp CA tỉnh Bình Định tổ chức là dịp để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên nghiệp.
Nhờ quá trình chuẩn bị chu đáo, trong 2 ngày diễn ra Hội thi (6 - 7.6), 123 VĐV của 7 đơn vị (cảnh sát PCCC&CNCH, CA các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Định) đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các VĐV của đội chủ nhà Bình Định phối hợp tốt trong phần thi cứu người bị nạn trong môi trường có khói, khí độc. Ảnh: K.A
Đáng chú ý, tại mỗi phần thi, các VĐV tham gia đều thể hiện rõ quyết tâm cao, phối hợp tốt khi liên tiếp vượt qua các thử thách: Chạy nhanh, chui qua hầm rào, vượt qua thang ngang bằng tay; phá khóa, mở cửa; mang bình khí, dụng cụ chạy trên đường, bơi dưới nước và đưa người bị nạn đến khu vực an toàn… Các phần thi này đòi hỏi VĐV phải có thể lực tốt, thuần thục các động tác chuy ên môn.
Đơn cử, tại môn thi CNCH trong môi trường có khói, khí độc, các VĐV đều thể hiện tốt khả năng phối hợp, tốc độ và thao tác gọn gàng, tận dụng “thời gian vàng” để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu nạn theo đúng yêu cầu.
Bình Định là đội có thời gian hoàn thành phần thi sớm nhất và có số điểm cao nhất trong phần thi này. Thiếu tá Phan Thanh An, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), chia sẻ: “CNCH, nhất là trong môi trường có khói, khí độc luôn đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sự phối hợp ăn ý, kỹ năng CNCH chuyên nghiệp. Hội thi là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ nâng cao kỹ năng chiến thuật, bản lĩnh trong CNCH, từ đó vận dụng tốt trong thực tế, góp phần cứu nguy được người và tài sản khi xảy ra sự cố”.
Trong khi đó, đại úy Lê Tây, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh Quảng Nam), VĐV tham gia hội thi, chia sẻ: “CNCH trong môi trường nước là nội dung mới rất hay và quan trọng, bởi tình trạng đuối nước rất đáng lo ngại. Hội thi là dịp để cán bộ, chiến sĩ có thêm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ CNCH trong môi trường nước”.
Có thể thấy, Hội thi là sự kiện quan trọng đánh giá chất lượng công tác nghiệp vụ CNCH của từng đơn vị, địa phương; học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong CNCH. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác CNCH cùng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở.
Theo đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ CA), khi KT-XH phát triển thì nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao; cần chuẩn bị kỹ hơn về con người, phương tiện, đặc biệt là năng lực chiến đấu của lực lượng chữa cháy, CNCH; người dân cũng cần được nâng cao kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH để xử lý ngay từ đầu.
“Trong định hướng đến năm 2030, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện CNCH hiện đại, mục tiêu chúng tôi hướng đến còn là nâng cao năng lực, thể lực, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ; giúp người dân hiểu hơn về công việc, nhiệm vụ của chiến sĩ PCCC, nắm kỹ kỹ năng thoát nạn cho mình và cứu nạn cho người khác nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ”, đại tá Khương nói.
KIỀU ANH