Rèn sức khỏe, tăng kỹ năng
Nghỉ hè là quãng thời gian trẻ được vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau một năm học tập vất vả. Nhiều em được cha mẹ cho tham gia các bộ môn vận động theo kiểu “vừa học vừa chơi”, vừa phát triển năng khiếu, vừa tăng cường sức khỏe, hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ngay khi năm học sắp kết thúc, chị Bùi Thị Nở (ở phường Bình Định, TX An Nhơn) đã tìm lớp dạy bơi cho con. Chị tâm sự, chứng kiến nhiều vụ trẻ đuối nước thương tâm, chị lo lắng và quyết định đưa con đi học bơi. Tiêu chí hàng đầu của chị khi tìm lớp là phải chất lượng, đảm bảo trẻ nắm được những kỹ năng bơi lội cơ bản. Bên cạnh đó, vì đây là bộ môn phải học trực tiếp, cần thường xuyên thực hành nên đòi hỏi đội ngũ đứng lớp và cơ sở vật chất phải tốt thì việc học mới hiệu quả.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị quyết định cho cả hai con cùng tham gia lớp học bơi ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước. Địa điểm tuy khá xa nhà nhưng vì tốt cho con, chị vẫn kiên trì chở con đi học. “Từ chỗ không biết bơi, sau 4 - 5 buổi học, các con đã có thể tự tin xuống nước, không còn sợ sệt như trước. Tôi thấy yên tâm và rất vui vì con mình được trang bị thêm kỹ năng vô cùng cần thiết này”, chị Nở phấn khởi nói.
Trong khi đó, các giáo viên đứng lớp rất quan tâm, theo sát sự tiến bộ của học trò. Dõi theo từng động tác khởi động, cách thở và di chuyển dưới nước của học trò, anh Nguyễn Thành Lâm, phụ trách lớp dạy bơi tại Nhà văn hóa xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), cho biết, anh mở lớp với mong muốn giúp trẻ ở nông thôn rèn luyện, nâng cao các kỹ năng như: Bơi ếch, bơi sải, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước, cách xử trí khi đến vùng nước nguy hiểm…
Trẻ đang học bơi tại lớp dạy bơi của anh Nguyễn Thành Lâm. Ảnh: D.L
Hiện tại, lớp của anh Lâm có 40 học viên, phần lớn là trẻ từ 6 - 14 tuổi. Song song với việc mở lớp, anh Lâm còn dạy bơi miễn phí cho trẻ thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn; tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được học bơi đúng cách.
Cùng với sự quan tâm của người lớn, tự bản thân trẻ cũng có ý thức chủ động trau dồi thêm kỹ năng mềm. Em Đặng Trân Châu (14 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) nhờ mẹ đăng ký lớp học võ để rèn luyện sức khỏe. Thay vì lựa chọn các môn có phần nhẹ nhàng hơn như múa, mỹ thuật, Châu đã chọn võ thuật, sẵn sàng bị “đo đất”.
“Vì sức khỏe không tốt nên em thường xuyên đau vặt. Em muốn học võ để vừa vận động cho khỏe người, lại có thể tự bảo vệ bản thân trong các trường hợp bất trắc. Ngoài ra, đến lớp học, em được gặp và quen thêm nhiều bạn mới, biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nên sẽ chủ động sắp xếp thời gian để tiếp tục tham gia”, Châu chia sẻ.
Sự hào hứng của Châu đã làm cho cậu em họ là Đặng Đăng Khôi (8 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước) quyết định cùng học võ với chị. Tuổi còn nhỏ, nhưng Khôi luôn chăm chỉ học và tiếp thu nhanh, thường được khen ngợi làm Khôi say mê hơn với bộ môn võ thuật cổ truyền. Thay vì dành thời gian cho trò chơi điện tử, Khôi thường rủ chị Châu tập thêm ở nhà. Khôi tâm sự: “Học võ rất vui vì cơ thể sẽ thêm cứng cáp, mạnh mẽ. Hơn nữa, nhờ tập luyện đều đặn nên cân nặng của em duy trì ở mức ổn định, không thất thường như trước”.
Chứng kiến con trẻ hào hứng với các bộ môn có lợi cho sức khỏe, chị Nguyễn Thị Minh Quyên, mẹ của Trân Châu, chia sẻ: “Nhìn hai chị em dù đẫm mồ hôi nhưng vẫn tập luyện, chỉnh động tác cho nhau, tôi thấy vui vì con biết lựa chọn những gì tốt cho bản thân. Bởi vậy, tôi luôn khuyến khích, ủng hộ con tham gia các lớp rèn luyện kỹ năng để vừa tăng cường sức khỏe, lại giúp tinh thần được thoải mái, tích cực”.
DƯƠNG LINH