Công ty CP Xây dựng 47 khẳng định thực hiện đầy đủ quy trình nổ mìn
Ngày 8.6, Báo Bình Định có đăng bài “Vụ nổ mìn thi công công trình làm văng đá thủng nhà dân ở Tây Sơn: Cần khắc phục khẩn trương, hợp lý” của tác giả Văn Lưu.
Ngày 9.6, Công ty CP Xây dựng 47 (C47) có công văn gửi Tổng Biên tập Báo Bình Định để giải thích rõ một số vấn đề được nêu trong bài báo.
Cụ thể, việc nổ mìn phá đá thi công công trình là biện pháp được tư vấn thiết kế đưa ra trong hồ sơ kỹ thuật công trình, tuân thủ nghiêm ngặt các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới chính thức được đưa vào triển khai. Sau khi có hồ sơ chính thức, Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh (BQLDA) và C47 thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng (Sở Công Thương, CA tỉnh, chính quyền địa phương...) và chỉ được phép triển khai khi có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Đồng thời, trước khi nổ, đơn vị thực hiện phải tiến hành thông báo kế hoạch nổ mìn đến chính quyền địa phương và người dân sinh sống trong khu vực. Trong khi nổ luôn phải tuân thủ quy trình, có đại diện BQLDA, có tư vấn giám sát, có người canh gác, bảo vệ, dùng loa phát thanh thông bảo, báo động, loa hú...
Thực tế, C47 đã thực hiện đầy đủ quy trình nói trên. Ngoài ra, do khu vực nổ mìn nằm gần khu dân cư, trước khi nổ mìn, C47 đã gặp gỡ các đơn vị và người dân trong khu vực giải thích và mong mọi người thông cảm vì mục tiêu chung. Đồng thời, quay phim, chụp ảnh làm biên bản hiện trạng để có cơ sở đền bù nếu có xảy ra thiệt hại vật chất. Gia đình ông Võ Ngọc Cung cũng đã ký biên bản xác nhận hiện trạng nhà trọ (ông Cung ở nơi khác) ngày 29.3 (trước ngày nổ mìn) với sự chứng kiến của lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong và tổ dân phố số 10.
C47 cho rằng, việc ông Cung kết luận “đơn vị thi công xem thường tính mạng, tài sản của người dân khi cho nổ mìn mà không thông báo, báo động” là vội vàng, thiếu thiện chí và không khách quan.
Ngày 18.4, đợt nổ mìn của C47 gặp sự cố văng đá đã gây thủng nhà đúng như ông Cung đã trình bày. Ngay sau vụ việc khoảng vài tiếng, Ban chỉ huy công trường đã chủ động mời ông Cung đến làm việc để xác nhận thiệt hại và phương án bồi thường khắc phục toàn bộ (chứ không phải ông Cung báo cho C47, vì lúc đó không có người thuê ở nhà và ông Cung ở nhà khác). Ông Cung đến và cho biết là không vào nhà trọ được vì người thuê khóa cửa đi vắng, hẹn khi nào họ mở cửa sẽ quay lại làm việc.
Ngày 19.4, ông Cung thông báo mời đến nhà làm việc, sau khi chụp ảnh hiện trạng, C47 đã đề xuất phương án thay lại tôn mới, chống dột cho phòng trọ để có chỗ ở, còn vết thủng trên sàn sẽ làm sau. Ông Cung đã đồng ý, C47 cho chuyển tôn đến tập kết thì ông nói sẽ hỏi ý kiến các con rồi trả lời; tối hôm đó ông không đồng ý cho thay nên không thể triển khai.
Đến ngày 29.4, khi hai bên họp thỏa thuận, C47 đề nghị sẽ sửa chữa toàn bộ phần thiệt hại do vụ nổ, còn gia đình ông Cung đòi bồi thường 720 triệu đồng. Hai bên đã lập biên bản ghi lại, bảo lưu ý kiến của mình; không thể thống nhất được phương án đền bù. C47 đã báo cáo với BQLDA; đang chờ cuộc họp do BQLDA và UBND huyện Tây Sơn tổ chức để xem xét và phân xử.
Theo C47, đây là sự cố ngoài ý muốn, gây thiệt hại cho các công trình trong khu vực, C47 đã hết sức thiện chí để khắc phục toàn bộ, không làm phiền bà con và các đơn vị xung quanh. Tuy nhiên, mọi việc đều có giới hạn để các bên có thể chấp nhận được.
B.B.Ð