Tiêu bản các loài rùa biển
Tại Bảo tàng tỉnh, ngoài những hiện vật liên quan văn hóa, lịch sử, còn có một góc trưng bày tiêu bản các loài rùa biển quần cư ở vùng biển Bình Định do Bảo tàng tỉnh phối hợp với ngành Thủy sản tỉnh bảo tồn mẫu vật này, nhằm tuyên truyền với người dân, du khách khi đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh hiểu được vai trò quan trọng của hệ sinh thái biển, các loài động vật biển quý, hiếm.
Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), trên thế giới hiện còn 7 loài rùa biển, thuộc hai họ chính là họ vích, gồm các loài đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa, quản đồng, rùa mai phẳng và họ rùa da với chỉ có một loài rùa da.
Tại vùng biển Việt Nam, các nhà nghiên cứu thống kê được 5 loại rùa biển là rùa da (còn gọi con ba khía, ông tam, bà khế), vích (con đú, rùa xanh, tráng bông), đồi mồi (con vẩy), đồi mồi dứa và quản đồng (rùa đầu to) phân bố, sinh sản tại các bãi cát dọc vùng biển Việt Nam; trong đó có Bình Định. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, ở Bình Định có rất nhiều rùa biển, nhất là loài vích với số lượng lên đến hàng nghìn con lên bờ đẻ mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng rùa biển ở trong nước cũng như tại vùng biển Bình Định đã giảm rất nhiều do nhiều nguyên nhân; hiện còn một số địa phương như: xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn)… rùa biển thường xuất hiện lên bờ đẻ trứng.
Mỗi loài rùa biển có tuổi trưởng thành khác nhau, dao động từ 15 - 30 năm. Tuổi thọ trung bình của rùa biển khoảng 50 năm; một số loài như vích, quản đồng, rùa da có tuổi thọ lên đến 80 năm hoặc hơn nữa. Khi rùa biển trưởng thành và đến kỳ sinh sản, chúng sẽ di cư về tại nơi chúng đã được sinh ra để đẻ trứng. Một rùa mẹ có thể đẻ từ 2 - 5 ổ trứng, mỗi ổ có từ 50 - 150 quả trứng. Tuy nhiên, tỷ lệ nở thành công của ổ trứng dao động từ 50 - 85%; trong khi đó, rùa con mới nở với cơ thể non nớt khi trở về biển sẽ đối diện với những loài vật ăn mồi như cua, chim ăn thịt, cá lớn, nên chỉ có khoảng 40 - 50% rùa con có thể sống sót.
Rùa biển là một trong những động vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được sách Đỏ thế giới và sách Đỏ Việt Nam xếp vào nhóm động vật quý, hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
ÐOAN NGỌC