Bảo tàng tỉnh với công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật: Giới thiệu giá trị đặc sắc, thu hút du khách
Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh chú trọng công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật theo hướng vừa làm giàu các bộ sưu tập giới thiệu nền văn hóa - lịch sử đa dạng, phong phú của tỉnh Bình Ðịnh, vừa có thể giới thiệu những giá trị đặc sắc, hấp dẫn của địa phương để tham gia thu hút du khách, phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Tính đến nay, Bảo tàng tỉnh sưu tầm được gần 15.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa của Bình Định. Trong số này, có nhiều hiện vật, bộ sưu tập quý, hấp dẫn, điển hình là: Trống đồng Đông Sơn, điêu khắc đá Champa, đất nung trang trí tháp Champa; gốm cổ Champa; tiền đồng; súng thần công thế kỷ XVIII - XIX…
Viên chức Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Bảo tàng tỉnh kiểm tra tình trạng hiện vật bảo quản trong kho. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Hoàng Như Khoa, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “5 năm trở lại đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp tổ chức một số cuộc khai quật khảo cổ học, nhờ đó đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị cao như: Gốm gia dụng Champa, gốm kiến trúc nhiều thời đại khác nhau… góp phần bổ sung cho kho lưu giữ tư liệu, hiện vật tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày”.
Công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật được Bảo tàng tỉnh chú trọng, các hiện vật sau sưu tầm được chỉnh lý, bổ sung để tổ chức trưng bày, tạo sự tươi mới phục vụ công chúng. Theo ông Nguyễn Thanh Vinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh, mỗi năm Bảo tàng tỉnh sưu tầm, kiểm kê và nhập kho rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu. Do đó, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật được Bảo tàng tỉnh thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo mọi khâu theo quy định, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh.
Trong quá trình sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật, tài liệu, Bảo tàng tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: Trang thiết bị bảo quản tại các kho chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng việc bảo quản hiện vật theo chủng loại, chất liệu. Đáng lưu ý, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt; tiêu chuẩn bảo quản phải tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật để có phương pháp bảo quản riêng cho phù hợp. Tuy nhiên, do điều kiện còn quá eo hẹp nên hiện nay các bảo vật quốc gia của Bảo tàng tỉnh chưa hưởng chế độ tương xứng.
“Chúng tôi hy vọng sau này khi có cơ sở vật chất mới, Bảo tàng tỉnh sẽ có hẳn một không gian riêng trưng bày những hiện vật Champa, nhất là những bảo vật quốc gia để phát huy giá trị hơn nữa”, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh tâm sự.
Theo ông Bùi Tĩnh, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, sưu tầm hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa để tiếp tục hoàn chỉnh bản đồ khảo cổ tỉnh Bình Định; các hiện vật là kỷ vật kháng chiến của quân, dân Bình Định, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT nhân dân của tỉnh được Nhà nước phong tặng và truy tặng; hiện vật của cộng đồng các dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh, như: Kinh, Chăm H’roi, Bana, H’re để bổ sung hiện vật lưu trữ và trưng bày phục vụ việc tham quan, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Bình Định.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho những bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại bảo tàng, như: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (công nhận năm 2015), phù điêu thần Brahma (công nhận năm 2016), cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn (công nhận năm 2017), phù điêu nữ thần Sarasvati (công nhận năm 2020). Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh sẽ tham mưu Sở VH&TT lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh để đề nghị Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với hai tượng voi đá tại thành Đồ Bàn (nay là di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn); đồng thời, sẽ phối hợp với ngành Du lịch tổ chức tọa đàm bàn giải pháp giới thiệu các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc… để gắn kết Bảo tàng tỉnh trong việc phục vụ phát triển du lịch.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN