Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội
(BĐ) - Ngày 10.6, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí Phó Ban chủ trì Hội thảo.
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Huỳnh Thuý Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Ảnh: N.M
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được nâng lên. Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 217 và Quyết định 218.
Từ năm 2015 - 2021, MTTQ đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành lập 1.231 đoàn, tổ chức giám sát 2.191 cuộc; Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức và tham gia 270 đoàn giám sát; Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh tổ chức 110 cuộc giám sát; Hội LHPN tổ chức 25 cuộc giám sát; LĐLĐ tỉnh tổ chức giám sát tại 1.030 đơn vị... với nhiều nội dung khác nhau.
Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn tham gia góp ý tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Ảnh: N.M.
Thực hiện công tác phản biện xã hội, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức 51 hội nghị phản biện xã hội; LĐLĐ tỉnh tổ chức phản biện 142 cuộc… MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức. MTTQ các cấp tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với chính quyền tổ chức trên 20.000 cuộc tiếp xúc giữa ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp với hàng ngàn lượt cử tri tham dự trước và sau kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND các cấp. Từ năm 2015 - 2021, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động lựa chọn nội dung, địa điểm, xây dựng kế hoạch và chủ trì 368 cuộc đối thoại trên các lĩnh vực.
Tại Hội nghị, đại diện Ban Dân vận các huyện, thị, thành uỷ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Thường trực cấp uỷ cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp huyện… đã tham gia góp ý, thảo luận, khẳng định vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng của công tác này.
Chỉ đạo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Ban Dân vận các huyện, thị, thành uỷ tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, hội đoàn viên và nhân dân trong thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, nhất là Quy định số 12 và Quy chế 06 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân, quy định cấp uỷ, chính quyền và cán bộ đảng viên trong tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Lãnh đạo UBND TX An Nhơn thảo luận về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ảnh: N.M
Bà đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm nghiên cứu, thống nhất và lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội hằng năm, sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho cấp dưới xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, tránh chồng chéo, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời tập trung giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đề án, chương trình có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân; giám sát đối với việc tu dưỡng đạo đức, lối sống người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên. Về nội dung góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cần tập trung góp ý việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền lợi của người dân, về cải cách hành chính, về pháp luật phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Theo dõi, giám sát các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức trong giám sát, phản biện xã hội…
Đề nghị lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương, sở, ngành trong thực tốt quy chế, phối hợp với Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; cụ thể hoá các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác giám sát, xây dựng Đảng, chính quyền.
NGUYỄN MUỘI