Chung tay bảo tồn rùa biển vùng biển Quy Nhơn
Nhằm lan tỏa và tăng cường nhận thức của cộng đồng cư dân trong bảo tồn động vật biển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vùng vịnh Quy Nhơn, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và tổ chức cộng đồng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cư dân địa phương.
Nhiều năm qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị, địa phương, đặc biệt là các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Quy Nhơn chung tay, góp sức vào công tác bảo tồn rùa biển. Từ các chương trình, dự án đã triển khai góp phần đưa khu vực Hòn Khô - Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) vào danh sách 1 trong 8 vùng biển là nơi rùa sinh sản, được đưa vào danh sách bảo tồn nguyên trạng khu vực bãi đẻ trứng của rùa biển theo kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ NN&PTNT (Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS ngày 14.3.2016).
Các chuyên gia của IUCN Việt Nam tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển cho cộng đồng cư dân ven biển tại Quy Nhơn vào ngày 31.5.2022. Ảnh: ÁI TRINH
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học, Chi cục Thủy sản và các địa phương ven biển Quy Nhơn thành lập được các tổ chức cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017. Từ đây, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức đã lan tỏa trong khu dân cư vùng ven biển, động viên họ chung tay bảo vệ động vật biển quý hiếm, trong đó có loài rùa biển. Kết quả là nhiều ngư dân đã chủ động thả rùa về biển, tự nguyện tham gia bảo vệ ổ trứng rùa vào mùa sinh sản…
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở địa phương, cho biết, nhờ được phổ biến kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia trong ngành và nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái biển, anh đã trở thành tình nguyện viên đắc lực trong công tác bảo tồn rùa biển. “Điều vui nhất là ở Nhơn Hải, người dân chủ động cung cấp thông tin, báo với tổ tình nguyện bảo vệ rùa khi phát hiện các trường hợp rùa lên biển đẻ trứng; khoanh vùng bãi đẻ và bảo vệ các ổ trứng. Phát hiện rùa biển mắc lưới, ngư dân cũng thông tin để tổ tình nguyện thả rùa về với biển”, anh Sáng chia sẻ.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm gắn với phát triển sinh kế cộng đồng, trong đó có bảo tồn rùa biển đang được cộng đồng cư dân địa phương triển khai hiệu quả. Hiệu ứng tích cực từ các hoạt động trong khuôn khổ các dự án bảo tồn đưa tới thay đổi tích cực trong suy nghĩ, nhận thức của cư dân vùng biển. Rất nhiều cư dân các xã, phường ven biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo vệ rùa biển. Họ chủ động mua lại rùa biển mắc lưới, chủ động phối hợp cung cấp thông tin để ngành chức năng kịp thời hỗ trợ, thả rùa về với biển.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 3 trường hợp ngư dân liên hệ phối hợp với cán bộ Chi cục thả rùa về với biển. Để khuyến khích cư dân vùng biển tham gia vào công tác bảo tồn, Chi cục Thủy sản tham mưu Sở NN&PTNT khen thưởng cho người dân có hành động tích cực trong chung tay bảo vệ động vật biển quý hiếm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tổ chức quan trắc, kiểm đếm, đánh giá rạn san hô; ra quân thu gom rác, bảo vệ môi trường biển.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, nhiều năm qua, các chuyên gia trong ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ Bình Định thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loại thủy sản quý hiếm với phát triển sinh kế cộng đồng gồm: Dự án đào tạo, truyền thông về bảo vệ rùa biển tại xã Nhơn Hải, do IUCN Việt Nam thực hiện từ 2008 - 2016; dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Bình Định từ 2012 - 2017; dự án Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) (2019 - 2021) thực hiện; dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương, triển khai tại TP Quy Nhơn, do Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) triển khai từ 2021 - 2023, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm và phát triển sinh kế cộng đồng ở vùng biển Quy Nhơn.
THU DỊU