Văn khế bán nô tỳ ở Bình Ðịnh hơn 200 năm trước: Một tài liệu đặc biệt
Lâu nay, chúng ta chỉ thấy các văn khế bán ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, chứ chưa từng thấy văn khế nào bán người, kể cả là bán nô tỳ. Bài viết này giới thiệu về một văn khế bán nô tỳ ở thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn, vào năm Gia Long thứ 7.
Tài liệu do nhà Hán học, nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng cung cấp cho chúng tôi cách đây khoảng hơn 15 năm, lúc ông còn giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Huế. Ông cho biết, đây là bản văn khế do một sinh viên khoa Sử, người Bình Định, nhờ ông xem giúp. Do nhiều lý do khác nhau, đến nay chúng tôi mới đủ điều kiện và được phép giới thiệu tài liệu hết sức đặc biệt này.
Những nét đặc biệt của văn khế
Đây là bản văn khế viết theo thể “lệ thư”, là một loại chữ cổ ra đời cách đây hàng nghìn năm; tại nước ta thể chữ này vẫn còn dùng phổ biến đến đầu thế kỷ XIX. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung văn khế (tạm dịch): Chúng tôi là vợ chồng Cai đội Lộc, người thôn Trung Hòa, ngụ cư ấp An Mỹ Nhị, thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Vì không có tiền nên [vợ chồng tôi] phải để lại một đứa nữ nô (con ở), tên là con Cầm, tuổi đúng 28 và một đứa con gái theo mẹ, tên là con Thẩm, tuổi vừa lên 4. Hình vóc hai mẹ con đều đầy đủ. Nay chúng tôi đem bán đứt con nữ nô này cho người ở xã khác là vợ chồng lão Huy, với giá tiền là một trăm lẻ năm quan. Đúng ngày lập văn khế hai bên đã giao nhận đầy đủ xong xuôi, [thì] con nữ nô đem bán ấy, [người chủ mua] được tùy ý chăm nom nuôi dưỡng, mãi mãi là vật của mình. Nếu sau này có gì trở ngại về con nữ nô này thì vợ chồng bên ấy [bên bán] phải chịu phí tổn các thứ tiền cho vợ chồng lão Huy. Nước có pháp luật, nên lập văn khế này để chiếu dụng. Ngày mồng 7 tháng Chạp, năm Gia Long thứ 7. Người lập văn khế: Cai đội Lộc điểm chỉ. Vợ tên mẹ Lộc điểm chỉ. Lão Thuyết làm chứng tự ký. Người viết văn khế là Biện Lân ký.
Văn khế bán nô tỳ ở phủ Quy Nhơn năm Gia Long thứ 7. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Theo nội dung văn khế, đây là câu chuyện bán đứt 1 người phụ nữ 28 tuổi và 1 bé gái 4 tuổi, với giá tiền 105 quan. Có tên tuổi người bán, người mua, người làm chứng và cả người viết văn khế. Văn bản này lập vào ngày mùng 7 tháng Chạp năm Gia Long thứ 7 (chiếu theo dương lịch là đã sang tháng 1 năm 1809).
Trong bản văn khế nêu trên, người đày tớ gái vốn thuộc quyền sở hữu của Cai đội Lộc và người sở hữu có quyền được đem bán đi một cách hợp pháp. Đặc biệt, căn cứ vào thời điểm xác lập - tháng Chạp - có thể thấy ngay đó là một câu chuyện thương tâm. Từ văn khế này đã hé ra một thời kỳ lịch sử đầy đau buồn, khi mà trong xã hội có cả những người khốn khổ đến mức được xem như là đồ vật trao tay giữa những người giàu có hơn; đã vậy còn bị soi xét thân thể mà như văn khế đã ghi chú cụ thể - mẫu hình thể giai cụ túc, tức là hình vóc hai mẹ con đều đầy đủ.
Ngược dòng lịch sử
Tạm gác lại câu chuyện thương tâm, theo văn khế, nơi diễn ra cuộc mua bán là - ấp An Mỹ Nhị, thôn Trung Hòa, thuộc Thời Tú, phủ Quy Nhơn. Và thật bất ngờ khi chúng tôi ngược dòng lịch sử để tìm về các phủ, huyện, thuộc, thôn, ấp này thì phát hiện ra rằng, trừ tên gọi Quy Nhơn vẫn còn đến, các địa danh còn lại có trong văn khế đã biến mất.
Chúng ta đã biết khá nhiều về phủ Quy Nhơn, huyện Tuy Viễn, vì vậy ở đây chúng tôi xin phép tạm dừng để dành thời gian cho thuộc Thời Tú.
Khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục (1776), Thời Tú là một thuộc của huyện Tuy Viễn. Theo Địa chí Bình Định, tập 1, phần “Địa bạ và phép quân điền”, thì vào năm 1815, Thời Tú vẫn còn là một thuộc, thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (tức là hoàn toàn khớp với nội dung và niên đại văn khế), thuộc Thời Tú khi ấy có đến 100 ấp. Đến năm 1839, thuộc Thời Tú được nâng lên thành tổng Thời Tú, với 42 thôn (là một trong 3 tổng thuộc địa phận huyện Tuy Phước gồm Vân Dương, Tuy Hà, Thời Tú). Đến nay, huyện Tuy Phước có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Tuy Phước, Diêu Trì và 11 xã. Các xã đều có chữ “Phước” ở phía trước. Vì vậy, rất khó xác định được các xã nào thuộc tổng Thời Tú trước đây và như vậy, tên gọi Thời Tú cũng đã biến mất.
Cuối cùng là về thôn Trung Hòa và ấp An Mỹ Nhị, theo bản văn khế. Theo Địa bạ Bình Định lập năm 1815, thì thuộc Thời Tú có 100 ấp, theo học giả Nguyễn Đình Đầu thống kê, 87 ấp còn địa bạ, 13 ấp bị mất địa bạ. Trong số 87 ấp vừa kể thuộc 60 thôn. Trong số thôn được liệt kê, thì có tên thôn Trung Hòa, nhưng lại không thấy ấp An Mỹ Nhị, chỉ có thôn An Mỹ.
***
Mặc dầu chỉ là một bản văn khế bán nô tỳ nhưng chỉ nhìn ở một vài góc độ thôi, cũng đã thấy bản văn khế này chứa đựng nhiều giá trị. Văn khế cho biết ít nhiều về chế độ nô lệ, nô tỳ trong thời phong kiến, về thân phận con người thuộc tầng lớp bần cùng trong xã hội thời đó, nhất là phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, căn cứ vào nội dung văn khế, có đối sánh với một số tư liệu lịch sử, ta có thể hiểu biết thêm về lịch sử hình thành vùng đất Bình Định, về sự thay đổi địa vực hành chính qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là các địa danh của một số địa phương từng nổi tiếng trong lịch sử, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất.
TS NGUYỄN ÐĂNG VŨ - Th.S NGUYỄN THỊ HỒNG HUỆ