Ðoàn viên công đoàn tiêu biểu Tạ Trọng Thế: Sáng tạo vì doanh nghiệp, công nhân và cộng đồng
Với nhiều nỗ lực trong lao động sáng tạo, anh Tạ Trọng Thế (công nhân Công ty CP May An Nhơn) là đoàn viên tiêu biểu, giàu thành tích của tỉnh, được tặng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LÐLÐ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh.
Không ngừng sáng tạo
Để được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, theo quy định, đoàn viên là công nhân, viên chức, lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở xuống, không giữ chức vụ lãnh đạo, phải có ít nhất một giải pháp với tổng giá trị làm lợi từ 80 triệu đồng trở lên (hoặc ba năm liên tục có giải pháp, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi từ 120 triệu đồng trở lên).
Sáng kiến “Cải tiến hệ thống ngưng tụ nước hồi về tại lò hơi” của anh Tạ Trọng Thế đã làm lợi hàng tỷ đồng cho Công ty CP May An Nhơn từ năm 2019 đến nay, được trao Bằng Lao động sáng tạo năm 2020. Đây cũng là cơ sở quan trọng cùng với các cải tiến khác để anh được nhận bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021.
Anh Tạ Trọng Thế (giữa) nhận bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Hội nghị biểu dương công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu năm 2022 do LĐLĐ tỉnh tổ chức. Ảnh: H.T
● Khi nỗ lực tìm tòi để thực hiện “Cải tiến hệ thống ngưng tụ nước hồi về tại lò hơi”, mối quan tâm hàng đầu của anh là gì?
- Tất nhiên, khi thực hiện cải tiến nào cũng đặt mục tiêu làm lợi cho DN lên hàng đầu, nhưng điều mà Công ty và tôi hướng đến còn là trách nhiệm với cộng đồng.
Công ty có 4 xí nghiệp sản xuất, trước đây hằng ngày nhân viên vận hành lò hơi với 2 nồi hơi (3 tấn và 4 tấn) để phục vụ sản xuất nên lượng củi đốt, điện năng và nước sạch sử dụng rất cao; chi phí hằng tháng khoảng 300 triệu đồng. Công nghệ xử lý còn thô sơ và lạc hậu, nên lượng khói bụi thải ra môi trường khá nhiều, lãng phí nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, lượng hơi bão hòa sử dụng tại các xí nghiệp rất lớn, lượng hơi hồi về lại khu vực lỗ hơi cũng rất nhiều mà lại bị thất thoát ra môi trường xung quanh, không tận dụng được để tái sử dụng.
Việc đánh giá khả năng áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường là cần thiết trong quá trình phát triển của mỗi công ty, nên tôi luôn nỗ lực tìm tòi cải tiến.
● Anh có thể chia sẻ thêm để những người không phải “dân kỹ thuật” phần nào hình dung về cải tiến này?
- Nói một cách đơn giản cho anh và mọi người dễ hiểu, giải pháp cải tiến dựa trên cơ sở sử dụng công nghệ hiện đại và khép kín, lắp đặt hệ thống ngưng tụ nước để thu hồi lượng hơi hồi về để tái sử dụng.
Hệ thống hoạt động tự động hoàn toàn, giảm vận hành một nồi hơi (chỉ còn vận hành một nồi 4 tấn), nhưng lượng hơi cung cấp cho các xí nghiệp vẫn bình thường, giảm được rất nhiều lượng điện sử dụng, nguyên liệu củi đốt, nước sạch, sức lực của công nhân, lượng khói bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…
Qua đó, tiết kiệm khoảng 30% chi phí sử dụng so với trước; giá trị làm lợi cho Công ty sau khi áp dụng sáng kiến là khoảng 973 triệu đồng/năm.
Đây là kỹ thuật mới, lần đầu tiên được áp dụng trong hệ thống các công ty may của Tổng Công ty May Nhà Bè. Ngoài việc có nhiều đơn vị bạn trong hệ thống đến học hỏi, tôi càng vui hơn khi biết được người dân sống ở khu vực xung quanh Công ty hết sức ủng hộ vì góp phần bảo vệ môi trường.
Mong giảm bớt bệnh nghề nghiệp cho công nhân
● Bên cạnh “Cải tiến hệ thống ngưng tụ nước hồi về tại lò hơi”, anh còn nhiều sáng kiến khác, với điểm chung là góp phần bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Đây có phải là một trong những động lực sáng tạo quan trọng của anh?
- Tôi thật xúc động khi anh nhận ra điều này! Trước hết, là một đoàn viên công đoàn, tôi nhận thấy vấn đề về an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công nhân lao động luôn được các cấp, ngành quan tâm, nhất là tổ chức công đoàn. Qua thực tế quan sát, tìm hiểu các công đoạn làm việc của công nhân, không chỉ tôi mà các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ ở Công ty đều nỗ lực đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục các mặt còn hạn chế.
Anh Tạ Trọng Thế luôn bám sát tình hình thực tế lao động tại Công ty CP May An Nhơn để có nhiều cải tiến hiệu quả, thiết thực. Ảnh: NVCC
Đồng cảm và chia sẻ vất vả cùng công nhân, những năm qua, tôi nỗ lực không ngừng để có các sáng kiến: Nâng cấp máy vắt sổ, máy sam lai giúp người vận hành máy thuận tiện hơn, không bị mỏi chân, năng suất tăng 30%, giảm số lượng chỉ thừa, giúp tiết kiệm chi phí; cải tiến máy cắt thun, cắt dây luồn giúp công nhân thao tác dễ dàng, không bị đau tay, năng suất tăng hơn 60%; cải tiến trên máy 1 kim điện tử thường thành máy 1 kim đứng, giúp thao tác công nhân thuận tiện, tăng hơn 30% năng suất, giảm mệt mỏi đầu gối; cải tiến máy cắt viền và dây passan để thao tác dễ dàng, không bị đau tay, giảm thợ, năng suất tăng 50%...
● Trong quá trình thực hiện các cải tiến, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Mỗi cải tiến đều gắn với trách nhiệm, tâm huyết của mình nên đều đáng nhớ. Trong số này, tôi xin chia sẻ thêm về cải tiến cữ may viền máy 1 kim giấu chỉ. Trước đây chạy viền bằng cữ gá bình thường, tuy nhiên có những mã hàng khách hàng yêu cầu may viền ra không nhìn thấy đường may, bản thân tôi đã nghiên cứu nhiều cách nhưng khách hàng vẫn không đồng ý.
Tôi đã tìm tòi nghiên cứu nhiều loại cữ gá khác nhau, rồi đến nhiều nơi bán phụ kiện ngành may mặc nhưng đều không có kết quả. Cuối cùng, tôi sử dụng vật tư hiện có tại Công ty để làm hoàn thiện cữ viền giấu chỉ, nên sản phẩm khi may ra hoàn toàn không nhìn thấy đường may. Hiệu quả của sáng kiến giúp công nhân may dễ dàng và nhanh hơn, viền ra căng tròn và đều mí, tăng hơn 50% năng suất, khách hàng cũng rất hài lòng.
● Anh có nhiều thành tích được ghi nhận từ cấp tỉnh đến Trung ương. Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân, theo anh còn có các yếu tố quan trọng nào khác?
- Trước tiên, tôi cảm thấy mình may mắn có được môi trường làm việc rất tốt. Công ty CP May An Nhơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả; Công đoàn cơ sở Công ty được LĐLĐ tỉnh tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2021. Tôi được lãnh đạo Công ty, Công đoàn tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng theo định hướng: Cải tiến tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho Công ty cũng chính là đem lại lợi ích thiết thực cho công nhân khi có được các chế độ tốt hơn, thêm yên tâm gắn bó làm việc lâu dài.
Bên cạnh đó, tôi và các anh em trong Phòng Cơ điện đã đoàn kết, cùng nhau cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến máy móc, thiết bị góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất cho Công ty.
Ngoài ra, các phong trào thi đua do các cấp, ngành phát động, khen thưởng thành tích cũng tạo thêm động lực cho tôi.
● Xin cảm ơn anh. Chúc anh có thêm nhiều sáng kiến thiết thực trong thời gian tới!
Tạ Trọng Thế sinh năm 1988, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước. Anh học ngành Công nghệ kỹ thuật điện tại Trường CĐ Quảng Ngãi, sau khi ra trường được nhận về làm việc tại Công ty CP May An Nhơn (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè) đã 12 năm. Sau quá trình làm nhân viên cơ điện tại các xí nghiệp của Công ty, từ tháng 10.2019 đến nay, anh được tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách Phòng Cơ điện, là Bí thư Đoàn Thanh niên của Công ty.
HOÀI THU (Thực hiện)